MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh.

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

TRẦN LƯU LDO | 22/11/2017 07:00
Với những giải pháp, chính sách đặc thù được triển khai thực hiện hiệu quả, công tác xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc Khmer vùng Tây Nam Bộ ngày càng khởi sắc… 

Đồng bào dân tộc Khmer chiếm khoảng 8% dân số toàn vùng ĐBSCL. Trước đây, đời sống bà con rất khó khăn; chủ yếu mưu sinh bằng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Nhờ những chính sách đặc thù của Đảng, Nhà nước, đời sống bà con đã khá lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh.  

Tại Trà Vinh (địa phương có 31% dân số là đồng bào Khmer), thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã hỗ trợ hơn 4.700 hộ đồng bào Khmer nghèo thực hiện 156 mô hình phát triển sản xuất (tổng kinh phí gần 31 tỉ đồng). Riêng giai đoạn 2014 - 2016, Trà Vinh được trung ương hỗ trợ gần 137 tỉ đồng để đầu tư xây dựng 237 công trình hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh tại các vùng đặc biệt khó khăn. Những công trình này cùng với các chính sách lồng ghép khác đã góp phần kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào Khmer trong 3 năm qua bình quân 4%/năm. 

Đối với Chương trình 135, giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Trà Vinh được trung ương đầu tư hơn 58 tỉ đồng để phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBDTTS. Theo đó, 24 xã và 52 ấp đặc biệt khó khăn được phê duyệt đầu tư (chủ yếu vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống) với các tiểu dự án được triển khai: Xây dựng, duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng; đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng… 

Tại Sóc Trăng, đến nay hầu hết các xã có đông ĐBDTTS đều có trường THCS, trạm y tế và đường ôtô đến trung tâm xã. 97% người dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh; trong đó có 95% ĐBDTTS được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỉ lệ hộ đồng bào Khmer có điện sử dụng đạt 99,4%/tổng số hộ Khmer… Tỉ lệ hộ nghèo ĐBDTTS trong năm qua giảm trên 3%. 

Những năm qua, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc Khmer được các cấp chính quyền, các ngành chức năng vùng Tây Nam Bộ triển khai, thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất - tinh thần vùng ĐBDTTS.   

Về giáo dục - đào tạo, thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh là con hộ Khmer nghèo theo Chương trình 135 (giai đoạn 2), đến nay đã có gần 76.300 học sinh được hỗ trợ. Chính sách cử tuyển học sinh Khmer vào các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp theo Nghị định 134/2006 của Chính Phủ, từ năm 2006 - 2010 đã cử tuyển được hơn 3.700 học sinh Khmer; mỗi năm có khoảng 1.000 học sinh Khmer tham gia các lớp dự bị đại học. Thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe, đã cấp thẻ BHYT miễn phí cho người Khmer nghèo (tổng kinh phí hơn 833,4 tỉ đồng). Đồng bào Khmer nghèo còn được hỗ trợ nhà ở - đất ở, nước sạch, điện thắp sáng, dầu hỏa…   

Các chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đông đồng bào Khmer thuộc Chương trình 135 (giai đoạn 2) đã thu được kết quả: Tỉnh Trà Vinh đầu tư xây dựng mới 254 công trình (trường học, giao thông, thủy lợi, điện, chợ, trạm y tế) và duy tu 85 công trình; tỉnh Vĩnh Long đầu tư xây dựng 24 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, trường, trạm y tế, chợ; tỉnh Sóc Trăng xây dựng 500km đường nông thôn, 51 công trình cầu, cống, 30 kênh mương thủy lợi, 2,8km đường điện hạ thế và nâng cấp, xây mới 5 trạm y tế, 14 công trình chợ, 78 nhà sinh hoạt cộng đồng...   

Theo ông Sơn Minh Thắng – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể trong vùng quan tâm triển khai công tác dân tộc, tôn giáo. Đời sống ĐBDTTS từng bước được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo toàn vùng năm 2015 còn 3,54%, tỉ lệ hộ nghèo vùng ĐBDTTS giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ trên 33% xuống còn 13%; số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ngày càng tăng với trên 19.000 đảng viên, 17.000 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó hơn 1.100 người được bầu vào cấp ủy, 2.223 người trúng cử đại biểu HĐND các cấp, 7 người trúng cử đại biểu Quốc hội. Lực lượng cán bộ này đã góp phần triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn