MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ruốc phơi khô bán cho người mua để làm mắm ruốc ở huyện Tân Hiệp. Ảnh; G.B

Kiên Giang: Làng nghề mắm ruốc ở Tây Yên

GIA BẢO LDO | 09/03/2017 09:48
Làm mắm ruốc là nghề truyền thống của người dân ở ấp Xẻo Dinh (xã Tây Yên, huyện An Biên). Món ăn dân dã này đã giúp người dân ở đây có cuộc sống ổn định... 

Khu bãi bồi thuộc huyện An Biên dài hơn 20km. Vùng sinh thái này là nơi con ruốc (giống như con tôm nhỏ) sinh sống, phát triển và được người dân khai thác chủ yếu để làm mắm. Theo anh Phan Văn A - ngụ ấp Xẻo Dinh - gia đình anh có cuộc sống ổn định với nghề làm mắm ruốc. Ấp Xẻo Dinh có truyền thống làm mắm ruốc từ lâu đời. Là hộ nghèo, không đất sản xuất, nhưng sau nhiều năm gắn bó với nghề làm mắm ruốc, gia đình bà Lê Thị Ngọc Dung đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng sung túc. Ngoài tự khai thác, gia đình bà Dung còn mua thêm ruốc nguyên liệu để sản xuất. Mỗi năm, gia đình bà Dung làm ra hơn 3 tấn ruốc thành phẩm (mắm ruốc khô, mắm ruốc chua). Gần đây, sản phẩm mắm ruốc đóng hộp của gia đình bà Dung được nhiều tiểu thương ở TX.Hà Tiên, huyện Phú Quốc đặt mua số lượng khá lớn. 

Theo bà Dung, nghề làm mắm ruốc tuy đơn giản nhưng cần có kinh nghiệm mới tạo ra sản phẩm thơm ngon, hợp vệ sinh. Trước hết phải rửa con ruốc sạch sẽ, ướp muối rồi phơi khô; sau đó bỏ vào bọc (loại giống như bao bố) rồi cột chặt lại để mùi hôi không bốc ra. Còn theo bà Trần Thị Huệ, nghề làm mắm ruốc không phải đầu tư vốn nhiều, có thể tranh thủ thời gian rãnh để làm. Mắm ruốc có thể dùng làm gia vị nấu canh hoặc chấm với rau, dưa, cà hay kho với thịt. Món ăn vặt khoái khẩu là xoài chấm mắm ruốc. Vị chua chua ngọt ngọt của xoài hòa quyện với vị mặn nồng và cay thơm của mắm ruốc tạo nên hương vị... khó tả. Mỗi năm, bà Huệ bán vài chục tấn mắm ruốc khô… 

Theo nhiều bà con làm mắm ruốc ở Xẻo Dinh, sản phẩm làm ra lâu nay chủ yếu bán lẻ tại 2 huyện An Biên, Phú Quốc và TP.Rạch Giá, TX.Hà Tiên. Riêng ruốc khô còn bán được ở huyện Tân Hiệp để làm mắm. Bà con mong chính quyền địa phương và ngành chức năng tạo điều kiện mở rộng “đầu ra”, xây dựng thương hiệu tập thể để người dân duy trì làng nghề này... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn