MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để ngành cá tra phát triển bền vững cần đột phá từ khâu giống.

Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp

CÔNG VŨ LDO | 17/10/2017 18:23
Ngày 14.10, tại An Giang diễn ra hội thảo lấy ý kiến góp ý Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL” (do Bộ NNPTNT và UBND tỉnh An Giang phối hợp tổ chức… 

Phải đặt cá giống lên hàng đầu

Vùng ĐBSCL hiện có 108 cơ sở sinh sản nhân tạo  cá tra và gần 1.900 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích trên 1.500ha. Sản lượng cá bột sản xuất ước đạt 16,5 tỉ con; tập trung tại An Giang, Đồng Tháp, TP.Cần Thơ... Tuy nhiên, hiện việc sản xuất cá giống vẫn còn một số hạn chế. Theo Tổng cục Thủy sản, việc thực hiện Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL” là cần thiết. Theo đề án, định hướng xây dựng An Giang trở thành trung tâm giống  cá tra công nghệ cao, cung cấp con giống chất lượng cao theo hướng liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp với mục tiêu năm 2020 có 1.000ha tham gia chuỗi (50% diện tích ương giống cá tra ở khu vực ĐBSCL). Toàn bộ con giống cá tra của chuỗi sản xuất phải được doanh nghiệp bao tiêu theo giá sàn thỏa thuận từng thời điểm...

Theo ông Lâm Quang Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang -  cá tra cùng lúa gạo là 2 mặt hàng được Chính phủ công nhận là sản phẩm chiến lược quốc gia. Để thực hiện đề án, cần tăng cường các giải pháp về cơ chế, chính sách, thị trường; về tổ chức và quản lý sản xuất; về khoa học công nghệ, môi trường... 

Đột phá từ khâu giống

Theo ông Đặng Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Úc - trong quá trình thực hiện đề án cần có cơ chế, chính sách cụ thể; trong 3 giai đoạn cần tập trung nhiều hơn vào giai đoạn thứ 2. Bên cạnh đó, thời gian qua người sản xuất cá giống gặp khó khăn ở “đầu ra”; giá cả bấp bênh, không ổn định; mất lợi thế vì không đủ mạnh để xây dựng thương hiệu bền vững. Vấn đề thương hiệu, do vậy cần phải đặc biệt quan tâm xây dựng.

Nói về đề án này, ông Phan Văn Ninh - Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang - cho biết, mô hình mẫu liên kết trong thời gian vừa qua đã giải quyết được bài toán rất lớn. Người dân ít vốn hoặc thiếu vốn vẫn có thể làm ăn được. Đó là những điểm nổi trội cần phát huy. Tuy nhiên, cần bổ sung để hoàn thiện vì hiện tại mùa thuận hội viên ương giống đạt tỉ lệ cao, nhưng vào mùa nghịch tỉ lệ hao hụt rất cao. Sản xuất con giống vẫn còn chịu áp lực môi trường… 

Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT - cho biết, hiện con cá tra chưa có vai trò của doanh nghiệp trong khâu “đầu vào”, làm ngược quy trình so với con tôm. Vì vậy cần làm quyết liệt, đột phá khâu giống, xây dựng thương hiệu, thích ứng được các thị trường khắt khe nhất và truy xuất được nguồn gốc. Định hướng phát triển giống cá tra cần xác định đây là khâu mang tính đột phá; doanh nghiệp là nòng cốt, đóng vai trò quan trọng... 

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị tỉnh An Giang cũng như các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cần chủ động tạo quỹ đất bằng cách thuê lại đất của nông dân, thực hiện dồn điền đổi thửa, sau đó cho doanh nghiệp thuê có thời hạn. Ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ xây dựng hạ tầng các vùng sản xuất giống tập trung ở An Giang và Đồng Tháp. Các địa phương còn lại sẽ vận dụng nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất giống của địa phương mình. 

Theo tiêu chí liên kết 3 cấp, cấp 1: Các viện nghiên cứu, trường đại học ứng dụng công nghệ cao trong chọn lọc nguồn giống bố mẹ, hoàn thiện công nghệ sản xuất giống cá tra có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng, chuyển giao cho các đơn vị cấp 2; cấp 2: Các cơ sở sản xuất (trung tâm giống cấp tỉnh, các cơ sở sản xuất giống của doanh nghiệp) cho sinh sản nhân tạo; cấp 3: Các cơ sở ương dưỡng từ cá bột lên cá hương giống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn