MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người anh hùng có 2 ngày giỗ

KỲ QUAN LDO | 31/10/2017 21:10
Trong 2 ngày 30 và 31.10 (nhằm ngày 11 và 12 tháng 9 âm lịch), tỉnh Long An long trọng tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (thường gọi “Ngày giỗ Nguyễn Trung Trực”). 

Theo các tài liệu lịch sử chính thống, anh hùng Nguyễn Trung Trực hy sinh vào ngày 27.10.1868 (nhằm ngày 12 tháng 9 năm Mậu Thìn). Theo phong tục tập quán, ngày giỗ “tiên thường” được làm ngày trước ngày mất, còn ngày giỗ chính diễn ra đúng vào ngày mất. Các hậu duệ của Nguyễn Trung Trực ở Long An cũng đều cúng giỗ “Cụ Nguyễn” vào ngày 12 tháng 9 âm lịch hàng năm. Hầu hết các đình, đền thờ Nguyễn Trung Trực ở khắp miền Tây cũng đều làm lễ giỗ, kỷ niệm theo ngày này.

Vậy nhưng, có một nơi tổ chức lễ hội truyền thống Anh hùng Nguyễn Trung Trực vào thời điểm khác, kéo dài những 3 ngày (cụ thể là từ 26 đến 28 tháng 8 âm lịch). Mà đó là lễ hội hoành tráng nhất về “Cụ Nguyễn”, ở chính nơi cụ hy sinh, thu hút hàng triệu người tham dự, tại Di tích lịch sử cấp quốc gia - Đình thờ Nguyễn Trung Trực tại TP.Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Về việc này, dư luận và các nhân sĩ địa phương đã nhiều lần góp ý nhưng mọi việc vẫn không thay đổi. 

Theo sử sách, vào buổi sáng 27.10.1868 (tức ngày 12 tháng 9 âm lịch), nhân dân trong vùng tập trung về chợ Rạch Giá để chứng kiến vị anh hùng của họ bị giặc Pháp xử tử. Cụ Nguyễn yêu cầu nhà cầm quyền mở trói, không bịt mắt để ông nhìn đồng bào, quê hương lần cuối. Người dân trải xuống đất một chiếc chiếu hoa có chữ “Thọ” màu đỏ cho ông đứng thọ hình. Hiếm có người anh hùng dân tộc nào được nhân dân trong vùng tín ngưỡng như Nguyễn Trung Trực. Theo thống kê chưa đầy đủ, Anh hùng Nguyễn Trung Trực được thờ chính trong hàng chục ngôi đình trên khắp miền Tây. 

Về việc lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực tại TP.Rạch Giá được tổ chức trước ngày cụ Nguyễn hy sinh khoảng nửa tháng, có thể có liên quan đến việc đây vốn là một ngôi miếu thờ Cá Ông (Nam Hải Đại Tướng Quân), người dân phải thờ cúng ông trong ngôi miếu để qua mắt chính quyền thực dân. Sau nhiều lần trùng tu ngôi miếu ấy đã thành đền thờ Nguyễn Trung Trực khang trang như hiện nay.

Không chỉ “ngày giỗ” Nguyễn Trung Trực, mà còn có những sự việc khác liên quan đến “Cụ Nguyễn” còn có ý kiến khác nhau. Thiết nghĩ, với những chuyện tương tự liên quan đến một vị Anh hùng dân tộc như Nguyễn Trung Trực, cần có một cuộc hội thảo cấp khu vực hoặc quốc gia để làm sáng tỏ và thống nhất. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn