MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Chín Quý giới thiệu những cây đờn “độc và lạ” do mình làm ra.

Những cây đờn “độc và lạ” ở nơi sản sinh bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu”

TÚ ANH LDO | 10/09/2017 07:00
Không phải là “cái nôi” của đờn ca tài tử (ĐCTT), nhưng TX.Ngã Bảy (Hậu Giang) có “mối lương duyên” rất đặc biệt với loại hình nghệ thuật này. Tại nơi này, soạn giả Viễn Châu đã cho ra đời bài vọng cổ bất hủ “Tình anh bán chiếu” với những câu hát đã ăn sâu vào lòng người dân Nam Bộ bao thế hệ. Tại TX.Ngã Bảy, hiện ĐCTT vẫn phát triển mạnh, là món ăn tinh thần của người dân ở đây...   

“Giữ lửa” cho tiếng đờn, lời ca

Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT xã Đại Thành đặt tại nhà chú Tư (ông Nguyễn Hoàng Nhựt, 70 tuổi) - chủ nhiệm CLB. Theo lời chú Tư kể, mới mười mấy tuổi, ông đã đam mê ĐCTT. “CLB ĐCTT xã Đại Thành có 15 thành viên, đều là nông dân. Mỗi khi sinh hoạt nhà có gì ai cũng đem đến, người trái cây, người bánh, trà nên rất vui, rất tình cảm” - chú Tư cho biết thêm.

Là thành viên nhỏ tuổi nhất trong CLB, anh Nguyễn Văn Trung (cháu chú Tư) hiện đang học tại Trường Đại học Cần Thơ. Vốn đam mê ĐCTT từ thuở nhỏ, anh Trung đã được cha, ông chỉ dẫn từng câu vọng cổ, từng bài tổ để anh hiểu hơn và yêu hơn bộ môn nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Giờ đây, khi đi học về anh tham gia sinh hoạt đều đặn tại CLB ĐCTT xã Đại Thành với các cô, chú nghệ nhân. Chia sẻ về niềm đam mê ĐCTT, anh Trung nói: “ĐCTT là món ăn tinh thần không thể thiếu trong tâm thức của tôi. Những ca từ trong từng câu hát luôn ẩn chứa một niềm cảm xúc mộc mạc, đầm ấm, chân tình của người Nam Bộ...”. 

Nghệ nhân với cây đờn “độc và lạ”

Tại phường Hiệp Thành, phong trào ĐCTT phát triển cũng không kém xã Đại Thành. Nơi đây, ngoài những nghệ nhân biết đờn ca, còn có người chế tạo ra những cây đờn “độc và lạ”.

Do cuộc sống cơ cực, nghệ nhân Lê Thanh Quý (thường gọi là Chín Quý) - ngụ phường Hiệp Thành - sớm bước vào đời từ khi 14 tuổi. Từng làm thuê cho nhiều gánh hát ở miền Trung và các tỉnh vùng ĐBSCL, ông Chín Quý có điều kiện tiếp xúc, học hỏi với nhiều nghệ nhân lớn tuổi. 17 tuổi, ông đã chơi thành thạo nhiều nhạc cụ...

Nói về việc chế tạo các loại đờn “độc và lạ”, ông Chín Quý tâm sự: “Trước đây, khi đi đờn phục vụ văn nghệ cho bà con phải tập hợp đầy đủ thầy đờn mới đờn được, nhưng tập hợp đầy đủ rất khó. Vì vậy, tôi quyết sáng chế ra một cây đờn có thể chơi như nhiều loại nhạc cụ. Nghĩ là làm, tôi đã chế ra các loại nhạc cụ: Cây đờn tam huyền di (thay thế cùng lúc 3 loại: Đờn tranh, đờn bầu, đờn hạ uy di), đờn vĩ cầm kết hợp đờn gáo, đờn măng-đô-lin kết hợp trống nhạc lễ và đờn sến, đờn ngũ âm huyền (kết hợp cùng lúc 5 cây đờn bầu sắp xếp từ nhỏ tới lớn)...”. 

“Gia đình tôi hiện có 4 người, người nào cũng biết chơi các loại nhạc cụ. Học trò tôi đang dạy có trên 20 người đã chơi thành thạo từng loại nhạc cụ. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng sáng chế ra nhiều loại nhạc cụ “độc và lạ” khác góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân địa phương...” - ông Chín Quý cho biết thêm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn