MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tai nạn chết người trên "nhịp đeo" cầu Tân An. Ảnh: N.L.Đ

Nỗi buồn “nhịp đeo”

N.P.ĐẤU LDO | 20/08/2017 07:00
Mới đây, trên cầu Tân An (bắc qua sông Vàm Cỏ Tây thuộc địa bàn TP.Tân An, tỉnh Long An) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm làm chết một người. 

Nạn nhân đi xe gắn máy, khi qua giữa cầu đoạn có “nhịp đeo” gặp lúc trời mới tạnh mưa, cầu trơn trợt, người và xe ngã ra giữa đường… Đây là trường hợp TNGT thứ… N xảy ra trên cầu Tân An mà thủ phạm chính là “nhịp đeo” giữa cầu. 

Ở một số tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cây cầu “bê tông vĩnh cửu” được bắc vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước có “nhịp đeo” ở giữa cầu. Điển hình là 2 cây cầu Tân An và Bến Lức (bắc qua sông Vàm Cỏ Đông) trên QL1 thuộc địa bàn tỉnh Long An. “Nhịp đeo” làm bằng thép dạng khung lưới có thể tháo rời được, nhờ vậy mà khi tàu lớn chạy trên sông muốn qua cầu chỉ cần tháo “nhịp đeo” ra là tàu qua lại được.

“Nhịp đeo” nguyên thủy có kết cấu chắc chắn, ít bị trơn trợt khi trời mưa. Cách đây hơn 10 năm, sau gần 30 năm sử dụng, “nhịp đeo” của 2 cây cầu Tân An và Bến Lức bị hư hỏng, được thay thế “nhịp đeo” mới. Tuy nhiên, “nhịp đeo” mới có chất lượng không bằng “nhịp đeo” cũ, độ bám bánh xe kém hơn, gặp lúc trời mưa xe 2 bánh rất dễ bị trượt. Càng về sau, độ trơn trợt càng tăng, tai nạn càng dễ xảy ra. Đến nay “nhịp đeo” được thay thế đã xuống cấp nặng, gặp lúc mưa trơn, xe 2 bánh qua lại cầu rất dễ bị té ngã.  

Theo những người dân sống hai bên cầu Tân An và cầu Bến Lức, trong mấy chục năm qua họ chưa lần nào thấy tháo “nhịp đeo” để cho tàu chạy qua. Điều đó có nghĩa, nhu cầu tháo “nhịp đeo” của cầu cho tàu lớn qua lại 2 con sông này thực tế đã không còn, vì có nhiều phương án khác thuận tiện và ít tốn kém hơn. Các chuyên gia cũng cho biết, chuyện thay thế “nhịp đeo” bằng một nhịp cầu bình thường (mặt cầu bằng bê tông nhựa) là điều không mấy khó khăn. Vậy thì hà cớ gì ngành giao thông vận tải còn “quyến luyến” với các “nhịp đeo” để người dân phải khốn khổ khi qua cầu, nhiều người phải chết oan uổng!? 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn