MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mưa trái mùa gây ngập úng, nông dân phải cắt lúa bằng tay với chi phí cao.

Nông dân giữa vòng vây thời tiết cực đoan

TRẦN LƯU - H.T LDO | 10/02/2017 00:00
Giữa thời điểm thời tiết được xem là thuận lợi nhất, vùng ĐBSCL lại xuất hiện những cơn mưa bất thường, gây thiệt hại lớn về nông nghiệp. Trong khi đó, hạn hán và xâm nhập mặn luôn được đặt trong tình trạng cảnh báo. Trong sản xuất, nông dân đang ở giữa vòng vây của thời tiết cực đoan… 

Thấp thỏm với mưa trái mùa
Nông dân vùng ĐBSCL đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ lúa đông xuân (ĐX) 2016 - 2017. Thông thường, thời điểm này thời tiết thuận lợi nên vụ ĐX được xem là vụ chủ lực, là vụ lúa “ăn chắc” của nông dân với năng suất, chất lượng cao nhất trong năm. Tuy nhiên, năm nay, ngay từ thời điểm trước Tết Nguyên đán, tại các địa phương vùng ĐBSCL đã xuất hiện những cơn mưa lớn kéo dài, gây thiệt hại nặng về nông nghiệp. Tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), mưa to đêm 14.1 đã làm đổ ngã trên 100ha lúa ĐX sớm ở các xã Ba Sao, Phương Thịnh, Gáo Giồng và Phong Mỹ (khoảng 70% diện tích/100ha bị đổ ngã hoàn toàn).  
Tại tỉnh Hậu Giang, những cơn mưa lớn bắt đầu từ chiều ngày 2.2 đã làm nhiều diện tích lúa ĐX sắp đến ngày thu hoạch tại 2 huyện Vị Thủy, Châu Thành A bị ảnh hưởng nặng. Nhiều hecta bị đổ ngã, có nơi ruộng lúa bị ngập hoàn toàn trong nước. Còn tại TP.Cần Thơ, mưa, gió nhiều từ trước Tết Nguyên đán đã khiến hơn 2.400ha lúa ĐX trong giai đoạn chín - chủ yếu ở các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt - bị đổ ngã, ảnh hưởng đến năng suất. Ngay sau Tết Nguyên đán, khi nông dân bắt đầu thu hoạch lúa ĐX sớm, mưa lại xuất hiện nhiều gây khó khăn và tổn thất trong phơi sấy lúa, chi phí thu hoạch tăng cao, lúa giảm chất lượng, giá bán không cao… Còn tại tỉnh Vĩnh Long, ngành NNPTNT cho biết, năng suất lúa ĐX sớm chỉ đạt khoảng 5 tấn/ha, giảm 17% so dự báo. Thời tiết thất thường còn khiến lúa bị bệnh bạc lá, đạo ôn cổ bông, chuột cắn phá và rầy nâu tấn công mạnh. Nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trị rất nhiều nhưng hiệu quả thấp. 

Vòng vây hạn mặn
Dù những ngày qua có mưa trái mùa, nhưng theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long vẫn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, báo hiệu khả năng thiếu nước đối với các địa phương vùng ĐBSCL. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm 2017 có thể sẽ diễn ra gay gắt trong mùa khô. 
Ngành chức năng tỉnh Hậu Giang cho hay, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh có khả năng lấn sâu hơn so năm 2016 và diễn biến phức tạp. Nước mặn có nhiều khả năng xâm nhập sâu vào nội đồng ở các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp và TX.Long Mỹ, TP.Vị Thanh theo hướng từ biển Tây theo ngã ba sông Cái Lớn và từ biển Đông qua ngã sông Ngan Dừa (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu). Ngoài ra, khả năng mặn xâm nhập từ phía biển Đông, sông Hậu ở các khu vực Cái Côn, Mái Dầm thuộc huyện Châu Thành, TX.Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp. Mặn cũng có khả năng xâm nhập vào huyện Châu Thành A theo hướng từ TP.Vị Thanh lên và từ huyện Châu Thành sang. 
Những ngày qua, UBND các địa phương - nhất là huyện Long Mỹ, TP.Vị Thanh - đã chỉ đạo phòng NNPTNT, phòng kinh tế, trạm thủy lợi quan trắc độ mặn hàng ngày và có báo cáo về tỉnh; đồng thời xác định rõ các vùng có khả năng xâm nhập mặn và đề xuất kế hoạch nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn tưới tiêu và trữ ngọt, đảm bảo phục vụ tốt 2 vụ lúa xuân hè, hè thu năm 2017. UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã yêu cầu các ngành, địa phương tiến hành kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm để có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa nhằm ngăn mặn, trữ nước ngọt; nhất là không để nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Song song đó, đắp đập thời vụ, đóng các cửa cống; nạo vét các tuyến kênh cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng bị bồi lắng để trữ nước ngọt nhằm phục vụ tốt sản xuất, sinh hoạt của người dân. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn