MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dừa - tài nguyên bản địa của tỉnh Bến Tre.

Phát huy sức mạnh tài nguyên bản địa

TRẦN LƯU LDO | 01/11/2017 17:00

Với gần 30 diễn giả và 25 đề tài quan trọng, Diễn đàn Kinh tế - kinh doanh Mekong Connect 2017 vừa diễn ra tại Bến Tre đã đề ra những giải pháp phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ cho vùng ĐBSCL… 

Đây là sự kiện thường niên cho các cấp quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước, các lãnh đạo doanh nghiệp vùng ĐBSCL; là nơi gặp gỡ trao đổi và chia sẻ thông tin, cơ hội kinh doanh - do mạng lưới liên kết 4 tỉnh thành (ABCD) Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Amcham, VTFA đồng tổ chức. 

Sự kiện đã quy tụ trên 30 diễn giả tham gia tọa đàm cùng các doanh nghiệp, chính quyền, các nhà hoạch định chính sách để bàn về 25 đề tài quan trọng, xoay quanh câu chuyện làm thế nào để phát triển nguồn tài nguyên bản địa của ĐBSCL (dừa, gạo, cá, sen và du lịch). Đặc biệt, các chuyên gia quan tâm đến vấn đề làm sao để ứng dụng công nghệ trong việc phát triển các nguồn tài nguyên bản địa này. 

Diễn đàn đã diễn ra các phiên thảo luận về giải pháp phát triển 4 chuỗi giá trị dừa, gạo, cá, sen - du lịch cũng như giải pháp ứng dụng công nghệ trong phát triển các tài nguyên bản địa này; trong đó tài nguyên bản địa của Bến Tre là dừa, An Giang là cá, Cần Thơ là gạo, Đồng Tháp là sen và các tour - tuyến du lịch. Theo các đại biểu tham gia diễn đàn, muốn phát triển và nâng cao giá trị các sản phẩm mang tính bản địa, ngoài việc mở rộng diện tích, tăng sản lượng, các địa phương cần có cơ chế, chính sách, biện pháp đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vấn đề sản xuất sạch, an toàn thực phẩm, theo chuỗi giá trị... để xuất khẩu cũng cần được nông dân và các doanh nghiệp quan tâm.  

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Đại Dương cho biết, biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến đời sống người dân, đòi hỏi vùng ĐBSCL phải có giải pháp phát triển bền vững; trong đó vai trò của Chính phủ và các cơ quan xây dựng chính sách là rất cần thiết để nâng cao năng suất, giảm giá thành, tạo nên chuỗi giá trị, tạo sự kết nối giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân. 

Dịp này, nhóm chuyên gia nghiên cứu về ĐBSCL cũng đã công bố nghiên cứu chuyên sâu 4 đề tài phát triển tài nguyên bản địa của vùng ĐBSCL. Nhóm là tập hợp của nhiều chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp quan tâm và dành nhiều tâm huyết trước những vấn đề sống còn của vùng ĐBSCL. Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục là bạn đồng hành với các nhà quản lý cũng như doanh nghiệp của đồng bằng và 4 tỉnh ABCD Mekong. Cũng tại diễn đàn lần này, 14 doanh nghiệp đã được trao chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập thị trường Mỹ và châu Âu. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn