MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thị trấn Gành Hào sơ tán đến thị xã Giá Rai cách 40 km để trú ấn an toàn. (Ảnh: Nhật Hồ)

Sẽ không bị bão vùi dập!

N.P.ĐẤU LDO | 26/12/2017 06:43
Cơn bão Tembin năm 2017 được dự báo có đường đi gần giống cơn bão Linda năm 1997, nhưng cấp gió mạnh hơn (bão Tembin dự báo mạnh cấp 12 - 13; trong khi bão Linda mạnh cấp 9 - 10). Nhưng với những gì chính quyền và người dân miền Tây đang làm để ứng phó với bão Tembin, ai cũng tin rằng sẽ không lập lại thiệt hại khủng khiếp như từng xảy ra với bão Linda.

Bão Linda đổ bộ vào Cà Mau và các tỉnh lân cận vào ngày 2.11.1997. Hậu quả của cơn bão là vô cùng khủng khiếp: Hơn 3.000 người thiệt mạng; hơn 3.000 tàu, thuyền bị chìm; khoảng 200.000 nhà dân bị hư hỏng; hàng trăm ngàn hecta lúa bị ngập úng… Đến tận ngày nay, hàng năm ở nhiều vùng biển miền Tây vẫn còn “giỗ hội” (ngày giỗ trùng của nhiều người); nhiều gia đình vẫn còn nợ nần từ hậu quả cơn bão Linda.

Bão Linda gây thiệt hại nặng người và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do nhiều nguyên nhân, có thể kể ra: Công tác dự báo, phương tiện kỹ thuật còn kém; tàu, thuyền không được thông báo kịp thời để vào bờ; vùng ĐBSCL ít khi có bão nên chủ quan, thiếu sự chuẩn bị, đối phó kém với bão; công tác cứu hộ thiếu hiệu quả;…

Hai mươi năm sau thảm họa thiên tai, chỉ sau lễ tưởng niệm các nạn nhân bão Linda chưa tới 2 tháng, Cà Mau và các tỉnh Tây Nam Bộ lại đón cơn bão Tembin được dự báo còn mạnh hơn cơn bão Linda. Nhưng chính quyền và người dân ĐBSCL cũng đã “mạnh” lên nhiều trong ứng phó với bão. Chúng ta đã biết trước và theo dõi từng “bước đi” của bão Tembin.

Bằng nhiều biện pháp, cả cảnh báo và cưỡng chế, chính quyền các tỉnh kiên quyết không để tàu, thuyền nào còn ngoài khơi khi bão đến. Tàu thuyền vào bờ hoặc trú ở các đảo đều được bố trí ở những nơi tránh bão an toàn nhất có thể. Nhà cửa của người dân bây giờ đã kiên cố hơn rất nhiều so với thời bão Linda. Với những gia đình nghèo, nhà cửa tạm bợ, chính quyền các địa phương và lực lượng quân đội đã đến giúp gia cố nhà chống bão.

Người dân các vùng ven biển được đưa đi sơ tán tránh bão cả ngày trước bão vào, ở những nơi thật an toàn. Học sinh được cho nghỉ học để tránh bão… Cơ sở hạ tầng, điều kiện giao thông, thông tin liên lạc… ở vùng ĐBSCL cũng đã tốt lên rất nhiều so với trước. Công tác cứu hộ, cứu nạn cũng bài bản, hiệu quả hơn.

Và quan trọng hơn hết, ý thức của chính quyền và người dân ĐBSCL cũng đã “trưởng thành” lên rất nhiều trong ứng phó với bão. Hiểu biết về bão. Biết lo lắng với bão. Có “lực” và biết cách ứng phó với bão… Tất cả những điều đó cho phép tin tưởng người dân Tây Nam Bộ sẽ không bị bão vùi dập như đã từng!  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn