MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lộ nông thôn trên địa bàn huyện Tháp Mười.

Tháp Mười phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp

CÔNG VŨ (thực hiện) LDO | 09/12/2017 15:00
Tháp Mười là huyện thuần nông, được tỉnh Đồng Tháp chọn là huyện xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo lộ trình, đến năm 2020 Tháp Mười sẽ trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh (không kể TP.Sa Đéc đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM). Xoay quanh việc thực hiện mục tiêu này, ông Lê Văn Ngọt - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tháp Mười - cho biết:

Giai đoạn từ 2011 - 2016, Tháp Mười có 12 xã xây dựng NTM, đến nay 5 xã đã đạt chuẩn. Dự kiến đến cuối năm 2017 có thêm 2 xã đạt chuẩn; sau đó thêm 2 xã (năm 2018) và 3 xã (năm 2019). Năm 2020 phấn đấu đạt tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM.

Theo kế hoạch, các xã chưa đạt chuẩn đều đã được chọn là xã điểm, tập trung vào 4 xã có lợi thế để phấn đấu đạt chuẩn trước, 3 xã còn lại do còn nhiều khó khăn sẽ cố gắng để đạt chuẩn sau. Tất cả các xã đều triển khai, dựa vào ngân sách để phân bố nguồn lực và dựa thêm từ nguồn lực bên ngoài để triển khai đồng bộ tất cả các mặt.

Quá trình xây dựng NTM, các xã có những thay đổi ra sao, thưa ông? 

Xây dựng NTM, bộ mặt vùng nông thôn có nhiều thay đổi, đổi mới. Trước tiên là thay đổi về nhận thức. Trước đây, người dân thường trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư từ nhà nước. Sau khi có cuộc vận động toàn dân tham gia xây dựng NTM, người dân đã nhận thức được vai trò của chính mình, có ý thức tham gia xây dựng NTM. Xây dựng NTM, hạ tầng sản xuất, hạ tầng giao thông - thủy lợi, vấn đề quy hoạch, tổ chức lại sản xuất đều tốt hơn.

Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp góp phần xây dựng NTM.

Bộ mặt vùng nông thôn thay đổi so thời điểm ban đầu nhờ xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, thắp sáng đường quê dẫn đến sự thay đổi rõ rệt so với thời điểm ban đầu… Sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chú trọng nâng cao thu nhập cho nông dân, giúp giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân. Trước đây nhiều xã tỉ lệ hộ nghèo trên 10%, hiện các xã đạt chuẩn NTM tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 4%. 

Điều kiện hạ tầng giao thông phát triển dẫn đến tỉ lệ học sinh bỏ học giảm, tỉ lệ học sinh ra trường đạt cao hơn so trước đây. Tiếp theo vấn đề chăm sóc y tế cho người dân cũng được đặc biệt quan tâm, tỉ lệ người dân tham gia BHYT tăng cao... 

Xây dựng NTM ở Tháp Mười có thuận lợi, khó khăn gì?

Thuận lợi trước tiên là sự quan tâm từ cấp ủy, chính quyền các cấp; tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên. Người dân đã nhận thức được vai trò chủ thể của mình nên tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng NTM tại địa phương cũng là thuận lợi quan trọng. Nguồn lực cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển hạ tầng để xây dựng NTM... 

Về khó khăn, trước tiên là xuất phát điểm của các xã ban đầu rất thấp; trong đó một số xã chỉ đạt 7 - 8 tiêu chí. Chính vì vậy, cần vốn đầu tư nhiều. Một số yêu cầu từ các tiêu chí xây dựng NTM vừa là động lực để địa phương phấn đấu, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ đối với địa phương. Tiêu chí thu nhập, từ thời điểm hiện tại đến năm 2020, huyện phải đạt mốc 50 triệu đồng/người/năm.

Đây là một trong những tiêu chí khó đối với các xã chuyên sản xuất nông nghiệp. Không có các loại hình dịch vụ và sản xuất công nghiệp thì tiêu chí tăng thu nhập cho người dân từ nay đến năm 2020 đạt mốc 50 triệu/người/năm không dễ thực hiện.

Kinh tế hợp tác cũng là một tiêu chí khó khi thực hiện. Mỗi xã phải có 1 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, song hiện một số địa phương vẫn chưa có hợp tác xã. Vận động người dân tham gia hợp tác xã cũng rất khó khăn. Địa phương đã nhờ sự hỗ trợ tư vấn từ một số đơn vị về hợp tác xã cho 2 xã dự kiến đạt chuẩn trong năm 2017; đồng thời tiếp tục tư vấn về lợi ích từ kinh tế hợp tác cho các xã còn lại để giúp người dân hiểu rõ hơn về kinh tế hợp tác, tham gia vào hợp tác xã... 

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn