MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Văn Truyền đang làm sản phẩm.

Tổ hợp tác sản xuất đồ chơi dân gian

TAM ANH LDO | 11/11/2017 16:00
Tổ hợp tác sản xuất đồ chơi dân gian hoạt động trên địa bàn khu vực Bình Thường B (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ). Nghề này hình thành từ năm 1995, lúc đó chỉ có duy nhất ông Nguyễn Văn Truyền sản xuất và đi bán dạo tại các địa phương vùng ĐBSCL. 

Ông Truyền cho biết, nguyên liệu chính làm đồ chơi dân gian bao gồm giấy, đất sét, mốp xốp và thực hiện hoàn toàn thủ công. Mỗi ngày gia đình ông Truyền (3 lao động) làm được khoảng 100 sản phẩm. Với giá bán từ 5.000 - 7.000 đồng/sản phẩm, gia đình ông Truyền lãi gần 500.000 đồng/ngày. Với bàn tay khéo léo và luôn cải tiến mẫu mã nên đồ chơi do ông Truyền làm ra không đủ cung ứng cho thị trường. Ông Truyền đã vận động người thân, bà con chòm xóm cùng tham gia sản xuất đồ chơi dân gian.

Đến nay đã có 12 hộ dân tại khu vực Bình Thường B sản xuất đồ chơi dân gian chuyên nghiệp với sự hướng dẫn của ông Truyền. Bình quân mỗi lao động chính có thu nhập từ 250.000 - 300.000 đồng/ngày. Công việc này khá phù hợp với nhiều đối tượng nhất (người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em...). 

Tháng 9.2017, Tổ hợp tác sản xuất đồ chơi dân gian khu vực Bình Thường B chính thức được thành lập với 12 thành viên. Ông Nguyễn Văn Mười - thành viên tổ hợp tác - nói: "Chúng tôi rất phấn khởi vì có việc làm với thu nhập ổn định. Trong khi đồ chơi ngoại nhập - nhất là của Trung Quốc - tràn ngập thị trường thì mình phải có sản phẩm đa dạng, hấp dẫn để cạnh tranh”.

Cũng theo ông Mười, đồ chơi dân gian của tổ hợp tác phải đạt các tiêu chí: Không gây ô nhiễm môi trường; không gây độc hại đối với trẻ em khi sử dụng; mang hình ảnh thân thiện, gần gũi với làng quê Nam Bộ như con trâu, con heo, rùa, ếch, chuột, cá sấu... Giá bán loại đồ chơi này phù hợp túi tiền của người dân khu vực nông thôn. Hiện sản phẩm của tổ hợp tác đã có mặt tại hầu hết các tỉnh vùng ĐBSCL... 

Ông Nguyễn Văn Truyền - Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất - cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ phát triển làng nghề này kết hợp với du lịch sinh thái vốn là thế mạnh của địa phương. Vừa kinh doanh vừa góp phần giới thiệu nét đẹp văn hóa quê hương là việc đáng làm...”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn