MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cắt băng khánh thành khu di tích.

“Việt Bắc” miền Nam: Một địa chỉ về nguồn hấp dẫn ở Tân Thạnh

N.P.ĐẤU LDO | 02/01/2018 17:00

Ở giữa vùng Đồng Tháp mười (ĐTM) heo hút thuộc huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) có một nơi lưu dấu tích độc đáo cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân miền Nam. Chính nơi đây Đài Phát thanh Nam bộ phát buổi đầu tiên; tờ giấy bạc Cụ Hồ được in để phục vụ kháng chiến; bộ phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh cách mạng ra đời… Nơi đây được xem là “Việt Bắc” của miền Nam!

Di tích Quốc gia bên dòng kênh huyền thoại

Ngày 19.8.2017, tỉnh Long An tổ chức khánh thành Khu Di tích căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ (UBHCKCNB) tại xã Nhơn Hòa Lập (huyện Tân Thạnh). Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự và cắt băng khánh thành. Khu di tích từng là một trong ba căn cứ địa quan trọng của Cách mạng miền Nam trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là nơi ở, làm việc và chiến đấu của đồng chí Lê Duẩn và nhiều cơ quan của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang từ cấp xứ đến khu, tỉnh trong thời gian từ 1946 - 1949. Khu di tích được Bộ VHTT xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 3.8.2007.

Một góc khu di tích.

Dự án Khu di tích được khởi công xây dựng năm 2013 trên diện tích gần 3ha với tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 130 tỉ đồng, bằng nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh Long An. Trong khu di tích phục dựng nơi ở và làm việc của các đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Văn Bạch và Trần Văn Trà, Văn phòng UBHCKCNB, Nhà in Nam Bộ và Phòng bào chế y dược. Việc xây dựng khu di tích thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời, nhằm lưu giữ, bảo tồn một địa danh lịch sử, để khu di tích mãi là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

This browser does not support the video element.

Lắng nghe âm hưởng nhạc điệu độc đáo được biểu diễn bởi Ban nhạc cụ truyền thống Khmer phục vụ du khách tại chùa Dơi (hay chùa Mahatup).

Khu di tích nằm bên dòng kênh Dương Văn Dương huyền thoại. Dòng kênh vốn có tên La-Gơ-Răng, sau khi vị thủ lĩnh xuất thân từ phong trào Bình Xuyên hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truy phong Dương Văn Dương hàm thiếu tướng và lấy tên ông đặt cho con kênh này. Dòng kênh là tuyến giao thông thủy quan trọng bậc nhất vùng ĐTM, nhờ nó mà tàu, thuyền có thể qua lại từ sông Tiền đến sông Vàm Cỏ Tây rất thuận lợi. Kênh Dương Văn Dương còn giúp đưa nước ngọt sông Tiền qua sông Vàm Cỏ Tây, làm hồi sinh một khu vực ĐTM vốn bị nhiễm phèn năng.

"Việt Bắc" của miền Nam

Tháng 9.1946, Xứ ủy và UBHCKCNB chuyển về đóng ở khu vực kênh Dương Văn Dương thuộc xã Nhơn Hòa Lập. Lúc đó, Xứ ủy Nam Bộ, UBHCKCNB, Sở Công an Nam Bộ, Sở Thông tin Nam Bộ, Sở Y tế Nam Bộ, Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ, Khu bộ Khu 8 đều đóng dọc kênh La-gơ-răng thuộc xã Nhơn Hòa Lập. ĐTM trở thành “thủ đô” kháng chiến, “Việt Bắc” của miền Nam. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Trần Văn Trà, Nguyễn Đức Thuận,… từng sống và làm việc tại khu vực trên.

Nơi đây đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, như: Đại hội Đại biểu Xứ ủy toàn Nam Bộ; Đài Phát thanh Nam bộ phát buổi đầu tiên; tờ giấy bạc Cụ Hồ được in để phục vụ kháng chiến; bộ phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh cách mạng ra đời… Nhiều chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 307 gắn liền với vùng đất này. Đặc biệt, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy - đã từng sống, làm việc nơi đây, tại nhà ông Nguyễn Văn Siêu và nhà má Tám, để lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Các cơ quan Nam Bộ và Khu 8 được nhân dân nhường nhà cho ở, nhường nền nhà để cất cơ quan. Nhân dân đã cung cấp hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, hàng chục bộ lư, mâm thau, nồi đồng ủng hộ cho binh công xưởng sản xuất vũ khí.

Với ý nghĩa, tầm vóc và vị trí đẹp, Khu Di tích căn cứ Xứ ủy và UBHCKCNB xứng đáng là địa chỉ về nguồn hấp dẫn ở giữa ĐTM! 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn