MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chuyên gia nước ngoài quan tâm tới việc sử dụng tro, xỉ của NMNĐ ở ĐBSCL. Ảnh: T.N

Vỏ tôm, tép và tro, xỉ nhiệt điện than

KỲ QUAN LDO | 07/10/2017 07:00

Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi đất nước bắt đầu “mở cửa”, con tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đi tiên phong chinh phục các thị trường nước ngoài.

Trước đó, con tôm, con tép vốn rất dồi dào ở vùng ĐBSCL chỉ tô điểm cho bữa ăn của người dân nơi đây, có dư thừa thì làm mắm, phơi khô… để tiêu dùng nội địa. Con tôm ĐBSCL chinh phục được thị trường nước ngoài, nhiều nhà máy sản xuất tôm đông lạnh mọc lên ở vùng ĐBSCL, kích thích sự phát triển ngành nuôi và chế biến tôm xuất khẩu. 

Nhưng lúc ấy một vấn đề làm đau đầu lãnh đạo các nhà máy chế biến tôm, đó là: Xử lý vỏ tôm, vỏ tép thải ra trong quá trình chế biến tôm. Loại phế phẩm này giàu đạm, mau ươn thối, chỉ sau 12 giờ là hôi thối, dòi lúc nhúc… Chế biến được 1 tấn tôm thành phẩm, nhà máy thải ra cũng chừng ấy phế phẩm, mà nếu xử lý không kịp sẽ làm hôi thối cả một khu vực. Chuyện các nhà máy bị các hộ dân sống chung quanh kiện thưa do vỏ tôm hôi thối xảy ra như cơm bữa. Cách xử lý của các nhà máy là: Đổ dầu đốt hủy vỏ tôm hoặc chở đi đổ ở đâu đó. Nhà máy Chế biến thủy sản Long An nằm gần sông Vàm Cỏ Tây, nên cứ đêm đến là cho xe chở vỏ tôm lén đổ xuống sông. Nhưng một thời gian cũng bị phát hiện và bị phạt…

Đang lúc bế tắc thì có người làm thử và thành công khi dùng vỏ tôm, tép cho vịt ăn, nhất là vịt đẻ, cho trứng rất tốt nhờ vỏ tôm có nhiều can xi. Nhiều người nuôi cá cũng thử dùng vỏ tôm cho sinh dòi làm thức ăn cho cá, cũng cho kết quả khả quan. Vỏ tôm bắt đầu được “bán như cho”, giúp các nhà máy khắc phục ô nhiễm, vừa không mất chi phí xử lý như trước. Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi có khách hàng nước ngoài mua sản phẩm chitin (dùng trong ngành dược) được chiết xuất từ vỏ tôm, thì loại phế phẩm này trở nên “đắt như tôm tươi”, người ta tranh giành nhau mua, giá bán liên tục được đẩy lên. Nhiều nhà máy chỉ cần sản xuất hòa vốn, lời phần phụ phẩm vỏ tôm là đạt yêu cầu…

Các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) ở ĐBSCL đang điêu đứng vì tro, xỉ than thải ra phải đổ đống, choáng hết diện tích, gây ô nhiễm môi trường. Hai NMNĐ ở Duyên Hải (Trà Vinh) đang “ôm” khoảng 1,6 triệu tấn tro, xỉ. Trong khi đó, ở các tỉnh phía Bắc, tro xỉ các NMNĐ được tận dụng hầu hết - bán để làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng… Còn ở ĐBSCL, người ta còn phải chờ “cơ sở pháp lý” mới dám sử dụng tro xỉ các NMNĐ để làm gạch không nung, san lấp mặt bằng… Trong khi nhu cầu cát cho san lấp mặt bằng, gạch cho xây dựng ở ĐBSCL là vô cùng lớn. Có thể thấy trước, nay mai khi đã có “cơ sở pháp lý”, người ta sẽ mua giành mua giật tro, xỉ các NMNĐ ở ĐBSCL để sản xuất gạch không nung, để san lấp mặt bằng. Khi ấy, số phận của tro, xỉ các NMNĐ sẽ giống như vỏ tôm, vỏ tép ngày nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn