MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Đỗ Hoàng Thái Anh - người sáng lập Công ty Hỗ trợ và Kết nối người điếc với cộng đồng.

Gặp người khởi xướng dịch vụ hỗ trợ người khiếm thính giao tiếp

ANH THƯ LDO | 28/04/2018 15:55
Khi còn nhỏ, Đỗ Hoàng Thái Anh (33 tuổi, Giám đốc Công ty Hỗ trợ và Kết nối người điếc với cộng đồng) từng tự ti khi không thể giao tiếp với mọi người bằng tiếng nói và gặp nhiều khó khăn để bộc bạch những mong muốn của bản thân. 

Lớn lên, nhờ có gia đình luôn động viên, hỗ trợ, anh Thái Anh đã mày mò tiếp cận lại với ngôn ngữ ký tự và nuôi khát vọng cung cấp tổng đài phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu qua video để giúp những người khiếm thị có thể tương tác với cộng đồng.

Từ một đứa trẻ tự ti

Gặp Đỗ Hoàng Thái Anh (33 tuổi, ở Hà Nội) - người luôn nở nụ cười thân thiện và nồng nhiệt với mọi người, ít ai biết được tuổi thơ của anh từng trải qua sự tự ti vì mình khác biệt với chúng bạn. Ngay từ khi sinh ra, Thái Anh đã bị khiếm thính bẩm sinh. Lúc này, gia đình anh vô cùng lo lắng, loay hoay không biết phải giao tiếp với con như thế nào. Thương cháu mình, bà nội Thái Anh luôn theo sát anh, giúp đỡ và cố gắng hiểu và chia sẻ với cháu.

“Xem một bộ phim, quan sát đồ vật, con vật… mọi thứ trong cuộc sống, bản thân tôi khắc ghi trong trí nhớ và thể hiện với mọi người bằng cử chỉ bằng tay. Lúc này, gia đình hiểu được đó là ngôn ngữ của riêng tôi để bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm, điều mình muốn nói” - Thái Anh nhớ lại.

Khi lên 6 tuổi, anh được học tại ngôi trường cùng các bạn khiếm thính và người bạn đồng hành cùng với Thái Anh lại chính là mẹ đẻ của anh. Thời điểm này vì chưa biết nơi nào dạy chữ ký hiệu chính thống, nên gia đình và Thái Anh tự xây dựng cho mình những ký hiệu riêng như thích ăn món gì, thích mặc cái gì.

Cuộc sống của Thái Anh cứ thế chảy trôi, nhưng phải đến năm 16 tuổi, anh bắt đầu tham gia vào cộng đồng người khiếm thính. Lúc đó, anh mới nhận thấy ngôn ngữ ký hiệu của cộng đồng của mình cũng quy củ, hệ thống như ngôn ngữ tiếng Việt. “Nhờ có học bổng tại Đồng Nai, tôi được tiếp cận ngôn ngữ ký hiệu học của tiến sĩ người Mỹ. Lúc này, tôi hiểu được ngôn ngữ của mình có những thành tố, âm vị, hình vị… là ngôn ngữ hoàn chỉnh, có nghiên cứu chứ không phải bộc phát ra như những cử chỉ tự giao ước với bà, với mẹ” - Thái Anh chia sẻ.

Không chỉ dừng lại việc tích lũy kiến thức về ngôn ngữ ký tự cho riêng mình, Thái Anh còn muốn chia sẻ kiến thức về loại ngôn ngữ này cho cộng đồng những người khiếm thính. Nhớ lại bản thân từng tự ti, Thái Anh chia sẻ: “Lúc bấy giờ, tôi khao khát nói được bằng miệng, giao tiếp như những người bình thường, nhưng không thể. Tôi thấy ngôn ngữ ký hiệu của mình như một sự xấu hổ vì khác biệt và biệt lập. Lúc muốn thể hiện bản thân, tôi dè dặt dùng ký hiệu để thể hiện mong muốn của mình”.

Nghĩ về cảm giác của bản thân từng trải qua và muốn khẳng định ngôn ngữ ký tự cũng là một ngôn ngữ được sử dụng trong giao tiếp. Đây là động lực để anh Thái Anh có nhiều đóng góp, nỗ lực phát triển, nhân rộng ngôn ngữ ký hiệu và phát triển dịch vụ hỗ trợ những người khiếm thính giao tiếp với cộng đồng.

Lan tỏa phần mềm hỗ trợ đến đông đảo người khiếm thính

May mắn khi được tham gia “Hội trại thanh niên điếc thế giới” tổ chức tại Hàn Quốc năm 2013 và trải nghiệm những dịch vụ xã hội dành cho người điếc ở quốc gia này. Anh Thái Anh chia sẻ: “Nhờ được tham quan, tận mắt chứng kiến và trải nghiệm các dịch vụ phiên dịch sử dụng với khiếm thính tại Hàn Quốc đã mở mang kiến thức và giúp tôi có những kế hoạch, dự định cung cấp các dịch vụ giúp người khiếm thính được giao tiếp bình đẳng”.

Anh được tiếp xúc với phương pháp phiên dịch từ xa hỗ trợ người khiếm thính giao tiếp với xã hội thông qua kết nối video call trên thiết bị máy tính. Bên cạnh đó, ở Việt Nam có số lượng người điếc rất đông, nhưng chỉ có 10 phiên dịch viên. Như vậy, nó hạn chế khả năng giao tiếp của người khiếm thính ở nước ta. Vì vậy, anh ấp ủ thực hiện dịch vụ tổng đài phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu qua video tại Việt Nam.

Ý tưởng của anh nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía Hàn Quốc. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng gắn camera và kết nối internet, người điếc sẽ giao tiếp dễ dàng hơn nhờ một phiên dịch viên trực tuyến. Qua video, phiên dịch viên sẽ dịch ngôn ngữ ký hiệu ra tiếng nói, và ngược lại. Mức phí sử dụng dịch vụ phiên dịch dành cho người điếc qua hệ thống online là từ 200.000-300.000 đồng/tháng.

Công ty Hỗ trợ và Kết nối người điếc với cộng đồng mới được thành lập hơn 2 tháng, đến ngày hôm nay, tư vấn viên liên tục nhận liên hệ để hỗ trợ người khiếm thính giao tiếp với cộng đồng. Điều này, cho thấy tính năng hữu ích và nhu cầu giao tiếp của người khiếm thính trên cả nước. Nó giải quyết những nhược điểm việc sử dụng giao tiếp qua viết tay như trước đây.

Nói về dự định của mình, anh Thái Anh chia sẻ: “Mong muốn của tôi là tại các môi trường như gia đình, xã hội... gặp rào cản thì được giải quyết và tạo điều kiện thuận lợi để các bạn khiếm thính giao tiếp với tất cả mọi người. Tôi muốn góp phần giải quyết vấn đề này như đào tạo những người phiên dịch và phát triển dịch vụ hỗ trợ người khiếm thính”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn