MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường học được đầu tư, xây dựng mới tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm.

Gia Lâm: 80% lao động địa phương có việc làm do đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới

T.VƯƠNG LDO | 22/03/2018 18:50

Theo đánh giá của huyện Gia Lâm về việc triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới, cho tới thời điểm hiện tại, bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay, kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội khu vực nông thôn được quan tâm, đầu tư, xây dựng và nâng cấp. Đến thời điểm hiện tại, 20/20 xã thuộc huyện Gia Lâm đã dần về đích với các mục tiêu nông thôn mới.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng/người/năm

Theo đó, kết quả chương trình nông thôn mới đã mang tới những sự đổi thay rõ rệt phục vụ cuộc sống người dân địa phương. Theo thống kê, tại địa bàn huyện Gia Lâm hiện có 58/76 trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% trạm y tế các xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần so với năm 2010 (tăng so với trung bình của thành phố là 3,2 triệu đồng/người/năm); tỉ lệ lao động có việc làm đạt trên 80%.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp - cho đến thời điểm này,19/19 tiêu chí nông thôn mới tại xã Ninh Hiệp đã cơ bản hoàn thành. Đặc biệt, huyện đã đầu tư xây dựng 2 trường học mới với kinh phí hơn 160 tỉ đồng. Mặt khác, bộ mặt hạ tầng của quê hương đang ngày càng hoàn thiện với các hạng mục, hạ tầng như chợ, trung tâm thương mại ngày càng khang trang hơn… Với các chỉ tiêu đã xây dựng và đạt được, chương trình nông thôn mới đã giúp từng bước ổn định tình hình địa phương, kinh tế hộ gia đình và làng nghề ngày càng phát triển, từng bước nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, các nghề truyền thống như may mặc, chế biến dược liệu ngày càng được phát huy.

Không có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới

Bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Cty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung - một trong những đơn vị có nhiều công trình đầu tư, góp phần vào việc nâng cao hạ tầng chia sẻ: Bản thân tôi là một trong những người con địa phương, do đó rất có mong muốn được đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng nông thôn mới cho làng, xã. Do đó, ngay khi có sự kêu gọi đầu tư, chúng tôi đã cùng nhau xây dựng, biến những mảnh đất hoang vu thành những công trình đồng bộ, khớp nối hạ tầng cùng các khu vực khác. Từ 2010 tới nay, chúng tôi đã tiến hành đầu tư thêm khu nhà ở thấp tầng, khu chợ, khu trung tâm thương mại. Có thể nói, hiện nay, đây là khu vực đang có những bước phát triển nhất tại địa phương, quê hương đang ngày càng “thay da, đổi thịt” với những công trình, hạ tầng kỹ thuật đáng tự hào.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm - nhấn mạnh: Chương trình nông thôn mới đã mang tới cho người dân được hưởng môi trường, sinh hoạt cho tới các điều kiện được phát triển nâng cao chất lượng cuộc sống hơn. Việc đi lại, giao thông trở nên thông thoáng. Nông thôn mới đã thực sự mang lại sự phấn khởi, vui mừng trong việc nâng cao đời sống của người dân. Có lẽ, cũng chính vì thế, chương trình này đã được toàn dân cùng tích cực, góp công, góp của xây dựng. Đáng chú ý, cho đến nay, việc đầu tư xây dựng cơ bản không có nợ đọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn