MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia đình có hơn 50 năm thổi hồn cho những chiếc mặt nạ giấy bồi.

Hơn 50 năm thổi hồn cho những chiếc mặt nạ giấy bồi

ANH THƯ LDO | 18/09/2018 14:00
Mặt nạ chú Tễu, mặt nạ Thị Nở, mặt nạ ông Địa… là đồ chơi truyền thống trong dịp Tết Trung thu. Đằng sau nụ cười được bồi từ giấy là những khoái chí của trẻ thơ khi vui chơi với chúng là bàn tay người nghệ nhân trút hết sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và tâm huyết níu giữ một nghề làm thủ công từ xa xưa.

Nghề phụ thời bao cấp

Trên phố Hàng Than (Ba Đình, Hà Nội), còn duy nhất gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (64 tuổi) và vợ Đặng Hương Lan (60 tuổi) vẫn theo nghề làm mặt nạ giấy bồi. Hơn 50 năm gắn bó với công việc này, nghề làm mặt nạ giấy bồi vừa mang lại thu nhập và lưu giữ giá trị của nghề truyền thống cha ông để lại.

Từ xưa, bố mẹ bà Lan có nghề làm mặt nạn giấy bồi. Tuổi thơ bà Lan cũng gắn với bột hồ, những mẩu giấy và chiếc mặt nạ đủ loại hình thù khác nhau. Thời gian trôi đi, bà Lan tích lũy được “bí kíp” riêng làm mặt hàng thủ công này.

Đồng lương công nhân nhà máy giấy bấy giờ không đủ để ông bà trang trải cuộc sống, nuôi nấng 2 đứa con thơ. Nhớ lại, bà Lan chia sẻ: “Thời bao cấp, chúng tôi lương không đủ ăn nên phải nghĩ cách làm thêm. Sẵn có nghề truyền thống của gia đình, công việc làm mặt nạ giấy bồi giúp chúng tôi có thêm thu nhập để nuôi các con ăn học”.

Khi về hưu, hai ông bà toàn tâm, toàn ý làm nghề này. Khi đồ chơi Trung Quốc ồ ạt, người tiêu dùng quay lưng lại với đồ chơi dân gian. Nhu cầu không còn nhiều, các gia đình lũ lượt bỏ nghề này, chuyển hướng làm công việc khác.

Bà Lan đau đáu: “Khi mọi người bỏ nghề này, gia đình tôi vẫn kiên trì đi theo. Giờ đây, nó không chỉ là một nghề, mà là cái nghiệp buộc lòng chúng tôi gắn bó. Đến nay, chỉ còn gia đình tôi ở phố cổ này còn lưu giữ và phát triển nghề truyền thống”.

Tỉ mỉ từng chi tiết

Những nguyên liệu giản dị, bằng tự nhiên như sắn để nấu thành bột hồ, những giấy báo cũ... là chất liệu không thể thiếu để bồi vào mỗi chiếc mặt nạ. Hiện nay, gia đình ông Hòa vẫn lưu giữ 22 kiểu khuôn mặt nạ khác nhau. Mỗi chiếc khuôn này được cấu thành từ bêtông.

Nhìn có vẻ giản đơn, nhưng khi bắt tay vào từng công đoạn mới thấy được sự tỉ mỉ, kỳ công. Để làm ra mỗi chiếc phôi mặt nạ, ông Hòa chia sẻ: “Đầu tiên phải nấu hồ, sau đó phết hồ vào những tờ giấy A4. Giấy này được bồi vào từng khuôn lần lượt từng lớp một. Khi đạt đến một độ dày nhất định, phôi mặt nạ đã hoàn thiện”.

Chính sự tỉ mỉ, năng suất không cao và thu nhập không nhiều, nên hai người con gia đình bà Lan cũng chuyển sang nghề khác. Cũng có một số người đến để học hỏi quy trình làm mặt nạ giấy bồi, gia đình bà Lan rất cởi mở, tận tình chỉ bảo. Tuy nhiên, bà Lan đau đáu: “Đến nay vẫn chưa ai học được cách làm, bởi họ làm lấy số lượng, thương mại. Đây là một nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và phải thổi hồn vào mỗi nhân vật. Việc học hỏi không có tâm huyết như vậy sẽ không thể làm được nghề này”.

Tay cầm bút vẽ mắt, miệng cho mặt nạ, ông Hòa nói thêm: “Ai cũng có thể nắm được các bước làm, tuy nhiên, để có mặt nạ đẹp, mang đúng hồn cốt cần sự khéo tay và dành tâm huyết cho nó. Mỗi khi vẽ xong một chi tiết trên mặt nạ phải mang ra phơi ngay. Sau khi mặt nạ khô mới vẽ các phần khác”.

Trung bình mỗi ngày, gia đình ông chỉ hoàn thiện được khoảng 30 chiếc mặt nạ. Mỗi mặt nạ phải đặt lên, hạ xuống làm các bước ít nhất 7 lần mới hoàn chỉnh. Tuy nhiên, giá thành mỗi sản phẩm chỉ dao động từ 30.000-50.000 đồng/chiếc.

Mỗi năm chỉ đến khi cận kề Tết Trung thu, gia đình bà Lan mới hối hả, tất bật làm hơn cả. Những chiếc mặt nạ giấy bồi được làm tỉ mỉ, đẹp mắt và an toàn được bán tại phố cổ Hà Nội góp phần gợi lại không khí ngày hội trăng rằm đầy náo nhiệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn