MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hùng

6 giá trị cấu thành tiêu biểu của Quảng Ninh

Nguyễn Hùng LDO | 29/10/2023 07:00

Phát biểu tại Hội thảo khoa học "Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững", ngày 26.9.2023, được tổ chức ở Yên Tử, ông Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã nêu 6 giá trị cấu thành nổi bật của tỉnh Quảng Ninh.

6 giá trị đó gồm: Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc.

1. Thiên nhiên tươi đẹp:

Quảng Ninh sở hữu những giá trị thiên nhiên tuyệt sắc hiếm nơi nào có được. Tuyệt sắc, tuyệt phẩm ấy thể hiện ở các kiến trúc tự nhiên hài hoà giữa núi non với biển cả, đồng bằng với miền núi, miền Đông với miền Tây của tỉnh bởi các cấu trúc vật lý, của không gian ba chiều, nhất là vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, danh thắng Yên Tử, khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng...

Những tuyệt sắc được nâng tầm nhờ phát huy tối đa lợi thế khác biệt của vùng, địa phương, phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu bằng các chiến lược dài hạn và hành động phát triển bền vững, tăng trưởng xanh…

2. Văn hóa đặc sắc:

Văn hoá Quảng Ninh được cấu thành bởi văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc, văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

Văn hoá biển thể hiện cả trong các tầng văn hoá khảo cổ học phản ánh từ xa xưa cư dân nơi đây đã hướng biển để phát triển kinh tế biển. Văn hoá công nhân mỏ được xác lập từ thời cận đại và đến thời đại Hồ Chí Minh được tổ chức thành lực lượng, phong trào làm nền tảng xã hội cho cách mạng, phản ánh ở tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”. Văn hoá đặc sắc đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc với cả văn hoá rẻo cao, rẻo giữa và rẻo thấp, mang nhiều sắc thái tộc người khác nhau.

Văn hoá Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thể hiện cả trong thiết chế tôn giáo, tâm thức nhân dân, có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam, văn hoá Việt Nam. Điều này đã làm nên giá trị đặc sắc văn hoá Quảng Ninh với tính mở, tính sáng tạo, tính kỷ luật, tính khoan hoà và nhân văn sâu sắc.

3. Xã hội văn minh:

Quảng Ninh là cái nôi của giai cấp công nhân và nền sản xuất công nghiệp hiện đại; là vùng đất phát triển giao thương, thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ biển và dịch vụ, du lịch từ rất sớm, nên sớm hình thành môi trường, nếp sống, tác phong của xã hội văn minh, với việc coi trọng những chuẩn mực ứng xử trong cộng đồng, văn minh công cộng, nếp sống văn hóa, xây dựng đô thị văn minh, kỷ luật và ý thức thượng tôn pháp luật... Do đó, từ trong truyền thống và cuộc sống hiện đại, xã hội văn minh trở thành một giá trị của tỉnh Quảng Ninh, tiếp tục được xây dựng, không chỉ là văn minh xã hội, mà mở rộng ra trên nhiều lĩnh vực: Văn minh chính trị, văn minh kinh tế, văn minh sinh thái...

4. Hành chính minh bạch:

Đây là mục tiêu xuyên suốt của tỉnh Quảng Ninh từ nhiều nhiệm kỳ nay, là yếu tố mang tính then chốt để Quảng Ninh xây dựng chính quyền địa phương kiến tạo và nâng cao năng lực quản trị địa phương; tạo điều kiện thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước...

Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp (2017 - 2022) giữ vị trí Quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 5 năm dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), 4 năm dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) và 2 năm dẫn đầu vị trí xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

5. Kinh tế phát triển:

Các mô hình đổi mới và đột phá đã góp phần đưa Quảng Ninh từ một tỉnh nghèo trở thành một trong những tỉnh phát triển đi đầu của cả nước. Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng (GRDP) cao, ổn định trên hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022). Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt gần 270.000 tỉ đồng (chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng ở khu vực phía Bắc), gấp 4,89 lần so với năm 2010.

Trong 10 năm liền (2013 - 2022), Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước. Tạo bước đột phá mới về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông chiến lược, dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn lực nhà nước. Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

6. Nhân dân hạnh phúc:

Quảng Ninh lấy con người là trung tâm của phát triển bền vững và mọi sự phát triển đích cuối đều vì hạnh phúc của nhân dân; phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Đặt trong quan niệm chung đó, Quảng Ninh định hình “nhân dân hạnh phúc” là một giá trị của tỉnh, mọi sự phấn đấu của tỉnh đều hướng tới hạnh phúc của nhân dân, phấn đấu là một “vùng đất lành” và hạnh phúc để con người sống, làm việc, nghỉ ngơi, thụ hưởng và phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn