MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khánh thành và tham quan đường bao biển Trần Quốc Nghiễn mở rộng, TP.Hạ Long. Ảnh: Trần Ngọc Duy

Ấn tượng 3 đột phá chiến lược của Quảng Ninh

Trần Ngọc Duy LDO | 20/09/2020 14:37

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, từ quyết tâm chính trị và sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương…, Quảng Ninh đã gặt hái nhiều thành công lớn từ thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng, gồm: cải cách hành chính, hạ tầng, nhân lực.

Quảng Ninh đến nay đã tạo nên một “bức tranh” khá hoàn chỉnh về phát triển hạ tầng. Kế thừa, phát triển những thành quả của giai đoạn 2010-2015, 5 năm trở lại đây, tỉnh tiếp tục thực hiện thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Là địa phương duy nhất trong cả nước huy động tư nhân đầu tư xây dựng cảng hàng không, cảng tàu khách quốc tế, đường cao tốc, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

Tổng vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh ước đạt 123.044 tỉ đồng. Quảng Ninh đã hoàn thành gần 100km đường cao tốc và đang triển khai cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (dự kiến hoàn thành năm 2021). Tại hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Quảng Ninh tổ chức vào tháng 8 mới đây, Phó Đại sứ, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam Jeong Woo Jin – đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của tỉnh Quảng Ninh khi đã đầu tư được hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Ở khâu đột phá trong cải cách hành chính, Quảng Ninh quyết liệt xóa bỏ cơ chế “xin - cho” để xây dựng nền hành chính phục vụ người dân, nhà đầu tư một cách hiệu quả, nhanh nhất. Cách làm của Quảng Ninh đã được Trung ương đánh giá là tạo ra sự thay đổi một cách tổng thể trong cả tư duy lẫn hành động của bộ máy, là bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương trong cả nước tìm hiểu, vận dụng. Đến nay, tỉnh đã thực hiện giảm 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định; trên 75% số thủ tục hành chính cấp tỉnh, 100% thủ tục hành chính cấp huyện vào giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện.

Nói về cải cách hành chính, ông Đặng Huy Hậu- nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết: Địa phương tập trung xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử giai đoạn 2016-2019, đề án Chính quyền số và Trung tâm điều hành thành phố thông minh; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và kết nối liên ngành, liên thông dịch vụ công trực tuyến 4 cấp, tạo thuận lợi lớn cho người dân, doanh nghiệp. Hiện số thủ tục hành chính cấp tỉnh cung cấp dịch công mức độ 3 và 4 là 1.157 thủ tục hành chính, đạt 84,6%; cấp huyện là 3.884 thủ tục hành chính, đạt 71,6%; 100% bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã được đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại.

Sự đổi thay thực chất trong cải cách hành chính đã góp phần quan trọng giúp Quảng Ninh giữ vững ngôi vị quán quân của cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) 3 năm liên tiếp (2017-2019); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2019 đứng thứ nhất, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ vị trí thứ 62 năm 2016 vươn lên đứng thứ 3 năm 2019.

Về phát triển nguồn nhân lực, Quảng Ninh luôn xác định đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín là nhiệm vụ then chốt để tỉnh bứt phá. Trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học cho gần 140.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức (trong đó đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho trên 36.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp). Ngoài ra, một chính sách riêng được ban hành nhằm thu hút nhân tài, lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh. Với những giải pháp này, chất lượng nguồn nhân lực của Quảng Ninh đã có sự thay đổi về cơ cấu: Đến hết năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo dự kiến đạt 85% (tăng 20,55% so với năm 2015), thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Khu vực nông nghiệp 28,1%; công nghiệp, xây dựng 30%; dịch vụ 41,9% (Năm 2015: Khu vực nông nghiệp 32,5%, công nghiệp xây dựng 30,8%, dịch vụ 36,7%)…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn