MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu chất vấn tại kỳ họp

Chất vấn tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII: “Nóng” với chống thất thu thuế và chống khai thác thủy sản tận diệt

Nguyễn Hùng LDO | 25/12/2017 11:40

Sau 3 ngày làm việc, kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII đã bế mạc chiều 13.12.2017. Phiên chất vấn tại hội trường cùng ngày, với sự tham dự của ông Phạm Minh Chính - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh khoá XIV - sôi nổi với những vấn đề chống thất thu thuế, chống khai thác tận diệt và chuyển đổi nghề cho ngư dân.

Phải chấm dứt nạn khai thác tận diệt

Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh - khẳng định, việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đang là vấn đề “nóng” được tỉnh và nhân dân trên địa bàn rất quan tâm. Hiện, nguồn lợi thuỷ sản đang bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nhu cầu tăng, thói quen đánh bắt huỷ diệt, lực lượng quản lý mỏng… Bước đầu công tác kiểm tra và xử lý đối với các vi phạm về đánh bắt, khai thác thuỷ sản tận diệt đã có những kết quả tích cực, thay đổi thói quen đánh bắt của ngư dân. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động này có lúc, có nơi còn chưa được đồng đều. Theo ông Hậu, ngoài việc tiếp tục công việc trên, cần đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân, chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân khi ngư trường bị thu hẹp… 

Kết luận về nội dung này, ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, chủ tọa kỳ họp - yêu cầu phải dứt khoát chấm dứt nạn khai thác tận diệt. Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ngư dân hiểu được việc ngăn chặn khai thác thủy sản theo hướng tận diệt là bảo vệ cuộc sống của chính người dân, của thế hệ tương lai và bảo vệ hệ sinh thái, nguồn tài nguyên môi trường. Đồng thời, tăng cường gặp gỡ, đối thoại, hướng dẫn, định hướng chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho ngư dân; tham mưu cho tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề khai thác thủy sản phù hợp nguồn lợi, ngư trường, chuyển đổi đánh bắt nhỏ lẻ ven bờ thành nuôi trồng thủy sản; đào tạo nghề chuyển sang kinh doanh dịch vụ...

Quyết liệt chống thất thu thuế

Một số đại biểu đặt câu hỏi với đại diện các ngành liên quan về tình trạng các DN mua giá cao nhưng kê khai thấp để trốn thuế; có hay không việc cán bộ thuế “đi đêm” với DN và các hộ kinh doanh. Đặc biệt, nhiều đại biểu bức xúc trước việc cả tỉnh có tới 33.000 hộ kinh doanh nhưng số thuế nộp rất thấp; vẫn còn nhiều lỗ hổng trong việc thu thuế khu vực du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng…

Chủ tọa kỳ họp - ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh - khẳng định: Những năm qua, các cấp, các ngành chức năng đã có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện các biện pháp chống thất thu thuế. Nhờ đó, tỉ lệ thu thuế năm nay đều vượt so với năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại trong công tác thu thuế. Ông Đọc đề nghị ngành Thuế, các ban, ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động chống thất thu thuế; tập trung rà soát các hộ, các doanh nghiệp kinh doanh, nhất là đối với các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm nộp thuế của từng hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn.

Trước 27.7.2018, phải xong việc xây nhà cho người có công

Chất vấn về việc triển khai Đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với Cách mạng, theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 24/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2, các đại biểu cho rằng, hiện tiến độ chậm. Giải trình nội dung này, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh cho biết, đến hết tháng 11.2017, toàn tỉnh đã và đang triển khai xây mới, sửa chữa nhà ở cho tổng số: 2.238/3.630 hộ (đạt 62%). Lý do chậm, theo đại diện Sở Xây dựng Quảng Ninh, là đến 30.8.2017, UBND tỉnh Quảng Ninh mới có quyết định thực hiện Đề án. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh - nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện đầy đủ các chính sách cho người có công. Thường trực Tỉnh uỷ đã họp thống nhất quy định các đối tượng thụ hưởng theo quy định của Trung ương, nhưng với mức hỗ trợ lớn hơn, cụ thể là đối với xây mới nhà ở tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà, (Trung ương quy định 40 triệu đồng/nhà); sửa chữa 30 triệu đồng/nhà (Trung ương quy định 20 triệu đồng/nhà). Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương không đợi nguồn vốn của Trung ương. Qua đó, tỉnh tập trung bố trí nguồn lực hỗ trợ, tập trung xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công chia làm 2 đợt, đợt 1 thực hiện xong trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất sắp tới; đợt 2 thực hiện xong trước ngày 27.7.2018.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn