MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
UBND tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam cho Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam. Ảnh: BQN

Đào tạo trên 50.000 lao động cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Nguyễn Hùng LDO | 16/11/2023 23:28

Đây là một trong những nhiệm vụ chính của Kế hoạch số 319-KH/TU, ngày 31.08.2023 “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, vừa được Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành.

Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TƯ ngày 04.5.2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Đặng Xuân Phương đã ký ban hành Kế hoạch số 319-KH/TU ngày 31.8.2023 “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo đó, từ nay đến năm 2030, phải tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia; đồng thời chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế, có một số trường tiếp cận trình độ các nước trong khu vực, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 90%, trong đó tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 55%.

Kế hoạch nêu rõ một số chỉ tiêu chủ yếu đến 2030 cần đạt được, bao gồm: Thu hút 50%-55% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; 100% trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp; phấn đấu khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia.

Đặc biệt, đào tạo trên 50.000 lao động cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - lĩnh vực mà Quảng Ninh đang tập trung thu hút đầu tư.

Xây dựng Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh theo hướng chất lượng cao cùng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác trên địa bàn tiếp cận trình độ các 3 nước ASEAN-4; có khoảng 15 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có khoảng 3 - 5 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới.

Để đạt được các chỉ tiêu này, Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu tiếp tục đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc quyền quản lý của tỉnh; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để tăng quy mô, chất lượng đào tạo, phân luồng tuyển sinh.

Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng yêu cầu tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn