MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala (trái) chào đón Thủ tướng Anh Liz Truss (phải) tới dự hội nghị thượng đỉnh EPC, ngày 6.10. Ảnh: AFP

44 nước họp bàn xây dựng trật tự Châu Âu mới

Khánh Minh LDO | 06/10/2022 20:00
EU muốn 44 nước Châu Âu họp bàn xây dựng một “trật tự mới” tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Cộng đồng Chính trị Châu Âu (EPC) ngày 6.10.

Mặc dù EU muốn hội nghị thượng đỉnh của EPC tập trung nhấn mạnh việc cô lập Nga vì cuộc chiến ở Ukraina, song hội nghị có thể sẽ bị chi phối bởi những khác biệt về những vấn đề khác, chẳng hạn cách thức áp giá trần khí đốt để kiềm chế chi phí năng lượng tăng cao.

Là đứa con tinh thần của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, EPC tập hợp 27 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) và 17 quốc gia khác, trong đó có một số nước đang chờ gia nhập khối và nước duy nhất rời khỏi khối là Vương quốc Anh.

“Hội nghị này là một cách thức tìm kiếm một trật tự mới mà không có Nga. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi muốn loại trừ Nga mãi mãi, nhưng nước Nga này, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin, không có chỗ" - Reuters dẫn lời ông Josep Borrell, Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại, nói.

Ông Borrell nhấn mạnh, EPC là tổ chức bao gồm các quốc gia từ Anh tới Serbia đến Thổ Nhĩ Kỳ, trải dài từ Caucasus đến Biển Bắc và Địa Trung Hải.

"Đây là tín hiệu mà chúng tôi muốn gửi đi, rằng thật không vui khi chúng tôi không thể xây dựng một trật tự an ninh với Nga. Nga bị cô lập… Nga không có chỗ trong khi tất cả những người khác đang ở đây” - ông Borrell nói.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell phát biểu trước báo giới về cuộc khủng hoảng Ukraina, tại Brussels, Bỉ, ngày 28.9.2022. Ảnh: Reuters

Hội nghị diễn ra tại thủ đô Prague của Cộng hòa Czech được coi là sự thể hiện tinh thần đoàn kết của một lục địa sa lầy trong nhiều cuộc khủng hoảng - bao gồm cả hậu quả an ninh và kinh tế của cuộc chiến ở Ukraina. Tuy nhiên, các nhà tổ chức không rõ ràng về các mục tiêu cụ thể của EPC.

Ông Borrell nói trước hội nghị thượng đỉnh rằng các nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau chỉ trong nửa ngày để tiến hành "cuộc trao đổi ban đầu”. Các câu hỏi về mục đích cuối cùng, tư cách thành viên và hoạt động của EPC chưa được đề cập.

Một số người coi EPC chỉ là một tổ chức “tầm phào” khác, sẽ khó quản lý không chỉ vì quy mô mà còn vì sự đa dạng và sự cạnh tranh truyền thống giữa nhiều thành viên, từ Armenia và Azerbaijan đến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những người khác nhìn thấy hy vọng vào quyết định tham dự của Thủ tướng Anh Liz Truss - động thái có thể mở đường cho mối quan hệ ấm áp hơn giữa EU và Vương quốc Anh vốn đã bị rạn nứt do tranh cãi hậu Brexit về Bắc Ireland.

Trong số 27 nước thành viên EU, căng thẳng cũng sẽ bùng phát qua gói hỗ trợ 200 tỉ euro (197,50 tỉ USD) của Đức dành cho các doanh nghiệp và hộ gia đình mà nhiều quốc gia thành viên khác chỉ trích là gây tổn hại đến cạnh tranh trên thị trường chung của EU.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn