MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

5 mối đe dọa với kinh tế toàn cầu năm 2022

Thanh Hà LDO | 31/12/2021 06:00

Đại dịch COVID-19 vẫn là nguy cơ lớn với tăng trưởng toàn cầu nhưng không phải là mối đe dọa duy nhất mà các nhà đầu tư phải chú ý trong năm 2022,  tờ Deutsche Welle nhận định. 

Các biến thể kháng vaccine

Vào tháng 11, thị trường tài chính dậy sóng với nỗi lo sợ  biến thể SARS-CoV-2 mới Omicron. Biến thể có khả năng lây truyền cao khiến thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu chao đảo. 

Trong tuần tiếp sau, thị trường toàn cầu tiếp tục chao đảo khi các nhà đầu tư vật lộn để đánh giá tác động kinh tế của biến thể mới. Các chính phủ cũng siết chặt các hạn chế để ngăn chặn biến thể Omicron. 

Hiện tại, có thể Omicron không phải là cú phát bóng đẩy phục hồi kinh tế đi chệch hướng, nhưng một biến thể trong tương lai có thể tiềm ẩn rủi ro như vậy. Các chuyên gia đã cảnh báo, nếu đại dịch tiếp tục lây lan thì có khả năng xuất hiện những biến thể kháng vaccine có thể dẫn tới sự trở lại của các đợt phong tỏa. 

"Nếu COVID-19 có tác động kéo dài - trong trung hạn - nó có thể làm giảm GDP toàn cầu tích lũy tới 5,3 nghìn tỉ USD trong 5 năm tới so với dự báo hiện tại của chúng tôi" -  nhà kinh tế trưởng IMF Gita Gopinath cho biết hồi tháng 10. 

Bà Gopinath nói rằng, ưu tiên chính sách hàng đầu là đảm bảo 40% dân số ở mọi quốc gia được tiêm chủng đầy đủ trong năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022. Cho đến nay, chưa đến 5% dân số ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm chủng đầy đủ.

Gián đoạn chuỗi cung ứng

Gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra sự đình trệ trong quá trình phục hồi toàn cầu trong năm nay. Những khó khăn trong vận chuyển cùng với tình trạng thiếu container và nhu cầu phục hồi mạnh sau nới lỏng giãn cách khiến các nhà sản xuất đẩy mạnh tìm kiếm linh kiện và nguyên liệu thô.

Ô tô là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với sản lượng sụt giảm trong khu vực đồng euro trong những tháng gần đây. Các nhà sản xuất ô tô đã cắt giảm sản lượng do thiết bị trung gian, đặc biệt là chất bán dẫn, vẫn thiếu nguồn cung.

Có những dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu nguồn cung đang giảm bớt với việc giá vận chuyển giảm và xuất khẩu chip tăng nhưng các chuyên gia dự báo gián đoạn nguồn cung sẽ tiếp tục gây sức ép với tăng trưởng trong năm tới.

Lạm phát tăng vọt

Tình trạng thiếu nguyên liệu thô và thiếu nguồn đầu vào, cùng với giá năng lượng cao hơn, đã đẩy lạm phát ở khu vực đồng tiền chung Châu Âu và Mỹ lên mức cao nhất trong nhiều năm. Điều này khiến các nhà đầu tư toàn cầu lo ngại các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất sớm để kiềm chế giá cả đang tăng vọt.

Với sự gián đoạn chuỗi cung ứng được xác định là kéo dài hơn so với nhận định ban đầu, lạm phát dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng nóng trong phần lớn năm 2022.

Tại Mỹ, lo ngại vềlạm phát dự kiến còn lớn hơn khi có sự thúc đẩy của kinh tế phục hồi nhanh, gói kích thích tài khóa lớn, tình trạng thiếu nguồn cung và lao động. 

Chính sách của Trung Quốc

Động thái ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chắc chắn sẽ tác động tới tâm lý các nhà đầu tư trong năm 2022.  Sự phục hồi sau đại dịch đang chịu tác động bởi những chính sách của Bắc Kinh với các ông lớn công nghệ trong nước, bao gồm Alibaba và Tencent, các công ty bất động sản và ngành dạy thêm.

Các quan chức hàng đầu Trung Quốc nhấn mạnh rằng, ổn định nền kinh tế sẽ là ưu tiên hàng đầu của nước này trong năm tới, làm tăng kỳ vọng về một đợt kích thích tài khóa vào đầu năm 2022. Việc Trung Quốc kiên định chiến lược "zero-COVID" cũng sẽ có khả năng tác động lớn với nền kinh tế toàn cầu.

Căng thẳng địa chính trị

Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và các đồng minh Châu Âu đang thu hút sự quan tâm, nhất là xung quanh vấn đề biên giới Ukraina. 

Mỹ và các đồng minh Châu Âu đang cân nhắc thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga, trong đó có cả khả năng dừng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nếu có biến động trong vấn đề Ukraina. 

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của tập đoàn thương mại OANDA, chia sẻ với DW: "Nếu Mỹ và Châu Âu ngừng đường ống Nord Stream 2 có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến giá dầu tăng lên 100 USD/thùng... Giá năng lượng tăng vọt có thể là nguyên nhân buộc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu phải đẩy nhanh việc siết chặt chính sách tiền tệ". Ngoài ra, quan hệ Mỹ-Trung cũng căng thẳng về nhiều vấn đề khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn