MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dây chuyền lắp ráp cuối cùng của dòng máy bay Airbus A320 tại Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 8.3.2019. Ảnh: Xinhua

Airbus Châu Âu đánh bại Boeing Mỹ trong cuộc đua ở Trung Quốc

Ngọc Vân LDO | 03/07/2022 19:00
Hãng Airbus bán 292 máy bay A320 cho 4 hãng hàng không Trung Quốc trong một đòn giáng mạnh vào đối thủ Mỹ Boeing.

Airbus đã nhận được đơn đặt hàng 292 chiếc máy bay A320 của 4 hãng hàng không Trung Quốc, khi mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi khiến cán cân doanh thu hàng không có lợi cho nhà sản xuất Châu Âu, giáng một đòn vào đối thủ Boeing của Mỹ.

Tân Hoa xã cho biết, hãng hàng không China Southern Airlines, Air China, China Eastern Airlines và Shenzhen Airlines là 4 hãng mua máy bay của Airbus. Hiện chưa có thông tin chi tiết về cách thức phân bổ đơn đặt hàng số lượng lớn và giá của mỗi chiếc máy bay.

Đơn đặt hàng số lượng lớn đã hoàn tất sau quyết định của China Southern vào tháng 5 nhằm loại hơn 100 chiếc máy bay 737 MAX của Boeing - đối thủ cạnh tranh trực tiếp với A320 - khỏi kế hoạch, vì hãng hàng không lớn Trung Quốc lo ngại về "sự không chắc chắn trong việc giao hàng”.

Hãng hàng không có trụ sở tại Quảng Châu - hãng đầu tiên đình chỉ máy bay 737 MAX vào năm 2019 sau những vụ tai nạn liên hoàn trong 5 tháng liên quan đến dòng máy bay này ở Indonesia và Ethiopia - sẽ giảm số lượng đặt hàng của Boeing xuống còn 78 máy bay.

Trong khi đó, China Eastern Airlines vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn chết người của chuyến bay MU5735 - sử dụng máy bay Boeing 737-800 - khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng khi nó lao xuống vùng núi ở vùng Quảng Tây hồi tháng 3.

Hàng chục máy bay Boeing 737 MAX “đắp chiếu” ở bang Washington, Mỹ, ngày 17.11.2020. Ảnh: Reuters

Máy bay A320 - loại máy bay một lối đi có thể chở từ 150 đến 180 hành khách tùy theo thiết kế - được niêm yết ở mức 101 triệu USD mỗi chiếc. Mua số lượng lớn được giảm giá mạnh và quy tắc chung của ngành hàng không là giảm một nửa tổng giá niêm yết để ước tính giá trị của đơn đặt hàng.

Các hãng hàng không nhà nước của Trung Quốc có tổng cộng 2.070 máy bay Airbus trong đội bay tính đến cuối tháng 5, theo cơ quan quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc.

Quyết định bổ sung thêm máy bay Airbus thay vì Boeing cho thấy Trung Quốc giành một trong những hợp đồng sinh lợi nhất trong thương mại toàn cầu cho Châu Âu, trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington vẫn sa lầy vào các tranh chấp thương mại còn sót lại từ thời Tổng thống Donald Trump. Quan hệ Mỹ - Trung đã ở mức thấp nhất trong hơn 4 thập kỷ khi các tranh chấp bùng phát về một loạt vấn đề từ chiến tranh thương mại đến căng thẳng ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Bloomberg dẫn lời người phát ngôn của Boeing cho biết hôm 1.7: “Là nhà xuất khẩu hàng đầu của Mỹ có mối quan hệ 50 năm với ngành hàng không Trung Quốc, thật đáng thất vọng khi những khác biệt về địa chính trị tiếp tục hạn chế xuất khẩu máy bay của Mỹ”.

Boeing tiếp tục thúc giục một cuộc đối thoại hiệu quả giữa chính phủ Mỹ và Trung Quốc, theo Reuters.

Đơn đặt hàng số lượng lớn chứng tỏ Trung Quốc - thị trường hàng không lớn thứ hai thế giới sau Mỹ - đang cho thấy động lực trong việc phục hồi sau tình trạng sụt giảm du lịch do đại dịch COVID-19 gây ra, Airbus cho biết.

Trung Quốc là thị trường hàng không phát triển nhanh nhất đối với cả Airbus và Boeing, nơi cả hai nhà sản xuất đã thành lập các nhà máy lắp ráp hoàn thiện - Airbus ở thành phố Thiên Tân và Boeing ở Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang.

Airbus và Boeing cũng phải cạnh tranh với tham vọng của Trung Quốc chiếm lĩnh một phần thị trường hàng không toàn cầu. Máy bay Comac C919 lắp ráp ở Trung Quốc đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 5.

Máy bay chở khách A320neo của Airbus trước chuyến bay thử nghiệm ngày 1.7.2014 tại nhà máy Airbus ở Saint-Martin-du-Touch, gần Toulouse, miền nam nước Pháp. Ảnh: AFP

“Những đơn đặt hàng mới này thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ vào Airbus từ các khách hàng của chúng tôi” - Giám đốc Thương mại của Airbus, Christian Scherer cho biết trong một thông cáo báo chí.

Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) đang đàm phán với các đối tác ở một số quốc gia có chọn lọc để tăng dần và đều đặn các chuyến bay chở khách quốc tế - một động thái có lợi cho sự phát triển bền vững của ngành.

Tổng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không toàn cầu trong tháng 4 đã tăng 78,7% so với cùng kỳ năm trước, khi sự phục hồi của du lịch hàng không đang tiếp tục sau khi nhiều quốc gia dỡ bỏ các hạn chế biên giới liên quan đến COVID-19, theo dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn