MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân Ấn Độ trồng lúa ở bang Assam. Ảnh: Xinhua

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, những nước nào lo lắng nhất?

Thanh Hà LDO | 03/08/2023 07:22

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến thị trường gạo toàn cầu và hàng triệu người dự kiến chịu ảnh hưởng của biện pháp này, trong đó người tiêu dùng châu Á và châu Phi sẽ chịu gánh nặng lớn nhất.

Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - đã cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (non-bastami), vào ngày 20.7 trong nỗ lực kiềm chế giá lương thực trong nước tăng cao và “đảm bảo có đủ gạo trong nước với giá hợp lý”. Ấn Độ chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu.

“Malaysia dường như là nước dễ bị tổn thương nhất theo phân tích của chúng tôi" - công ty Barclays nêu trong báo cáo, nhấn mạnh sự phụ thuộc khá lớn của quốc gia Đông Nam Á này vào gạo Ấn Độ.

Singapore cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm bởi Ấn Độ chiếm khoảng 30% lượng gạo nhập khẩu của nước này. Tuy nhiên, Barclays lưu ý, Singapore phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực nói chung, không chỉ gạo và Singapore cũng đang tìm cách miễn trừ lệnh cấm của Ấn Độ.

Giá gạo hiện dao động ở mức cao nhất thập kỷ trong bối cảnh El Nino tạo ra mối đe doạ khác cho các nhà sản xuất lúa gạo lớn khác ở châu Á như Thái Lan, Pakistan, Việt Nam.

Barclays chỉ ra, Philippines sẽ “chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi giá gạo toàn cầu tăng” bởi có tỉ trọng gạo trong CPI cao nhất. Tuy nhiên, phần lớn gạo nhập khẩu của Philippines đến từ Việt Nam.

Châu Á không phải là khu vực duy nhất chịu ảnh hưởng của lệnh cấm xuất khẩu gạo mà Ấn Độ đưa ra, nhiều quốc gia châu Phi và Trung Đông cũng dễ bị ảnh hưởng.

BMI - một đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions - cho biết, các thị trường dễ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ tập trung ở châu Phi cận Sahara, khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Công ty chỉ ra, Djibouti, Liberia, Qatar, Gambia và Kuwait là những nơi ảnh hưởng lớn nhất.

Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo diễn ra sau lệnh cấm vận chuyển gạo tấm vào tháng 9 năm ngoái. Điều này có nghĩa là tới 40% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ hiện không đưa ra thị trường quốc tế, theo dự báo của BMI.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo lần này có thể gây tác động sâu rộng hơn trước đó. Ảnh: Xinhua

Đây không phải lần đầu tiên Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu với gạo non-basmati, nhưng tác động lần này có thể sâu rộng hơn trước, CNBC nhận định.

Tháng 10.2007, Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati sau đó tạm thời dỡ bỏ lệnh cấm và áp đặt lại vào tháng 4.2008 khiến giá gạo tăng gần 30% lên mức cao kỷ lục 22,43 USD/tạ.

Giá gạo tăng gấp 3 lần trong 6 tháng, theo đơn vị nghiên cứu nông nghiệp Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP). Ông Samarendu Mohanty - giám đốc khu vực châu Á của CIP - lưu ý, Ấn Độ không phải nước đóng vai trò chính trong xuất khẩu gạo non-basmati toàn cầu vào thời điểm đó và lệnh cấm hiện tại có tác động sâu rộng hơn so với 16 năm trước.

Ông nói thêm, mức độ tác động của lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ lần này sẽ phụ thuộc vào phản ứng của các nhà xuất khẩu và nhập khẩu gạo khác.

Nếu các nhà xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam và Campuchia áp đặt hạn chế xuất khẩu và các nhà nhập khẩu lớn như Indonesia và Malaysia đua nhau tích trữ, “sự hỗn loạn có thể xảy ra trên thị trường gạo", ông Mohanty nói.

Ông cảnh báo, thị trường gạo hỗn loạn sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ lần này có thể có những hậu quả tồi tệ hơn so với năm 2007.

“Những người bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ lên tới hàng triệu người" - ông nói. Theo ông, những người tiêu dùng nghèo hơn ở các nước láng giềng Ấn Độ, đặc biệt là Bangladesh và Nepal sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ông Mohanty lưu ý, ít khả năng lệnh cấm xuất khẩu gạo này được dỡ bỏ sớm, có thể là duy trì đến cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ vào tháng 4 năm sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn