MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Narendra Modi trên website Hội nghị thượng đỉnh Hàng hải Ấn Độ 2023. Ảnh chụp màn hình

Ấn Độ kỳ vọng trở thành 1 trong 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới

Khánh Minh LDO | 18/10/2023 06:00

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kỳ vọng, một ngày không xa, Ấn Độ sẽ trở thành một trong ba nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Ngày 17.10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố các dự án trị giá hơn 230 tỉ rupee (2,7 tỉ USD) như một phần trong kế hoạch chi tiết dài hạn cho ngành hàng hải của đất nước.

New Delhi đang đặt mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng “đáng tin cậy và có sức chống chịu” sau sự gián đoạn do đại dịch COVID-19 và chính sách trừng phạt của các quốc gia phương Tây.

Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Hàng hải Ấn Độ năm 2023 kéo dài ba ngày tại Mumbai, ông Modi kêu gọi các nhà đầu tư “đến Ấn Độ, đồng hành cùng chúng tôi trên con đường hướng tới phát triển”.

Ông nói: “Một trật tự thế giới mới đang hình thành và cả thế giới đang hướng tới Ấn Độ với những kỳ vọng mới. Một ngày không xa, Ấn Độ sẽ được coi là một trong ba nền kinh tế hàng đầu thế giới”.

Nhấn mạnh rằng năng lực hàng hải của Ấn Độ luôn “mang lại lợi ích cho thế giới”, ông Modi lưu ý đến những nỗ lực của chính phủ ông nhằm củng cố lĩnh vực này trong 9 năm qua; bao gồm tăng gấp đôi công suất của các cảng lớn, giảm thời gian quay vòng cho các tàu lớn, xây dựng đường sá mới để tăng cường kết nối cảng và tăng cường cơ sở hạ tầng ven biển theo sáng kiến “SagarMala”.

Ông Modi cũng nhấn mạnh “tác động mang tính thay đổi” của Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - Châu Âu (IMEC) mới được đề xuất trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở New Delhi hồi tháng 9.

Thủ tướng Modi đã động thổ kho cảng nước sâu Tuna Tekra tại Cảng vụ Deendayal ở bang Gujarat phía tây Ấn Độ. Dự án với chi phí 45 tỉ rupee (540 triệu USD) được kỳ vọng là cửa ngõ thương mại của hành lang IMEC.

“Hành lang này sẽ thay đổi bức tranh thương mại khu vực và toàn cầu, giúp giảm chi phí kinh doanh, tăng hiệu quả hậu cần, giảm thiệt hại cho môi trường và tạo ra số lượng lớn việc làm” - ông Modi nói.

Thủ tướng Modi lưu ý, Chính phủ chú trọng lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu, đồng thời dự đoán rằng “Ấn Độ sẽ trở thành một trong 5 quốc gia đóng tàu hàng đầu trong thập kỷ tới. Câu thần chú của chúng tôi là “Sản xuất tại Ấn Độ - Sản xuất cho thế giới”.

Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng chỉ ra những nỗ lực của New Delhi trong việc thúc đẩy du lịch hàng hải như một cách để tạo thêm doanh thu.

“Ấn Độ có đường bờ biển dài, di sản biển phong phú và di sản văn hóa phong phú. Kết hợp lại, những điều này mang đến cho chúng tôi khả năng phát triển hơn nữa du lịch hàng hải” - ông Modi nói và bổ sung rằng với việc phát triển các dự án du thuyền mới, Ấn Độ đang nhanh chóng hướng tới việc trở thành một “trung tâm du lịch toàn cầu”.

Sarbananda Sonowal - Bộ trưởng Cảng, vận tải và đường thủy Ấn Độ - tuyên bố trước Hội nghị thượng đỉnh Hàng hải rằng New Delhi dự kiến sẽ tạo ra khoản đầu tư lên tới 10 nghìn tỉ rupee (120 tỉ USD) và ký kết hơn 300 thỏa thuận sau sự kiện này.

Ông cho biết những cải cách chính sách trong lĩnh vực vận tải biển và hậu cần đã mở ra một làn sóng đầu tư mới, kinh doanh dễ dàng hơn và tăng trưởng kinh tế theo cấp số nhân dọc theo các tuyến đường thủy quốc gia. Tổng cộng, 111 tuyến nội địa trải dài trên 20.000 km đã được Chính phủ xác định có tiềm năng vận chuyển hàng hóa và hành khách.

Hội nghị thượng đỉnh Hàng hải Ấn Độ đầu tiên - được tổ chức vào năm 2016 tại Mumbai - đã mang lại các thỏa thuận trị giá gần 10 tỉ USD. Hội nghị thượng đỉnh thứ hai được tổ chức trực tuyến vào năm 2021 do COVID-19.

“Tầm nhìn Hàng hải Ấn Độ 2030” - kế hoạch chi tiết kéo dài 10 năm với mục đích "đại tu ngành hàng hải Ấn Độ" - đã xác định hơn 150 sáng kiến trong các tiểu ngành cảng, vận tải và đường thủy, sẽ thúc đẩy ngành hàng hải Ấn Độ đạt mức tăng trưởng tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn