MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tập đoàn thủy điện nhà nước Ấn Độ (NHPC) sẽ bắt đầu chạy thử nghiệm dự án thủy điện trên sông Subansiri trong tháng 7.2023. Ảnh: NHPC

Ấn Độ xây siêu thủy điện cạnh tranh đập Tam Hiệp Trung Quốc

Khánh Minh LDO | 18/06/2023 07:42

Được coi là đối trọng với dự án siêu đập thủy điện Trung Quốc và lớn hơn cả đập Tam Hiệp, nhà máy thủy điện lớn nhất của Ấn Độ đang được xây dựng gần biên giới Trung Quốc.

Dự án trị giá 2,6 tỉ USD trên sông Subansiri sẽ tạo ra 2 gigawatt điện. Dự án được coi là đối trọng của Ấn Độ với siêu đập thủy điện của Trung Quốc trên sông Brahmaputra.

Brahmaputra là một trong những con sông lớn của châu Á chảy qua Tây Tạng, Ấn Độ, Bangladesh và đổ ra vịnh Bengal.

Sông Brahmaputra bắt nguồn từ Tây Tạng, hòa với sông Yarlung chảy qua phía nam Tây Tạng, nơi nó được gọi là Dihang và xẻ Himalaya ra thành các hẻm núi.

Sau đó Brahmaputra chảy theo hướng tây nam qua Thung lũng Assam và theo hướng nam qua Bangladesh với tên gọi Jamuna. Ở đó, nó nhập vào sông Hằng để tạo thành một đồng bằng châu thổ rộng lớn. Con sông này dài khoảng 2.900 km, là một nguồn thủy lợi và giao thông quan trọng.

Tờ The Diplomat năm 2020 đưa tin, dự án siêu đập thủy điện ở Trung Quốc có thể sẽ được xây dựng tại khúc uốn quanh Great Bend, nơi sông chảy vào Ấn Độ.

Sông Yarlung ở Tây Tạng trong bức ảnh ngày 2.12.2020. Ảnh: Xinhua

Theo ông Yan Zhiyong, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện Trung Quốc (PowerChina) - đơn vị dự kiến xây dựng con đập - việc khai thác thủy điện 60 triệu kWh ở hạ lưu sông Yarlung có thể cung cấp 300 tỉ kWh điện sạch, tái tạo và không carbon hàng năm và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép Trung Quốc đạt được đỉnh phát thải carbon trước năm 2030 và trung hoà carbon vào năm 2060.

Sản lượng thủy điện của dự án này dự kiến ​​sẽ gấp ba lần đập Tam Hiệp - nơi có công suất thủy điện lắp đặt lớn nhất trên thế giới.

Đập Tam Hiệp ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Kế hoạch của Trung Quốc xây dựng siêu đập thủy điện trên sông Yarlung đã làm dấy lên lo ngại ở Ấn Độ và Bangladesh.

Tờ Business Standard đưa tin, để đối trọng, Ấn Độ sắp vận hành dự án siêu thủy điện đã được nghiên cứu trong 20 năm - một bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước.

Vào tháng 7 tới, Tập đoàn Thủy điện Ấn Độ (NHPC) sẽ bắt đầu chạy thử nghiệm dự án Subansiri Lower qua các bang Assam và Arunchal Pradesh ở phía đông bắc đất nước.

Tổ máy đầu tiên dự kiến ​​sẽ được đưa vào hoạt động trong tháng 12.2023 - theo giám đốc tài chính Rajendra Prasad Goyal. Ông cho biết đến cuối năm 2024, tất cả 8 tổ máy sẽ được đưa vào vận hành.

Thủy điện, với khả năng đáp ứng nhanh chóng những biến động về nhu cầu điện, được coi là rất quan trọng để cân bằng lưới điện khi việc sản xuất điện mặt trời và điện gió không liên tục tăng lên. Tuy nhiên, dự án Subansiri 2 gigawatt, bắt đầu hình thành vào năm 2003, đã bị trì hoãn do các cuộc biểu tình và kiện tụng, do những lo ngại về thiệt hại môi trường.

Chi phí của dự án đã tăng lên 212,5 tỉ rupee (2,6 tỉ USD), gấp hơn ba lần so với ước tính ban đầu. Tòa án Xanh Quốc gia đã cho phép công việc tiếp tục vào năm 2019 sau 8 năm bị đình chỉ. Việc phản đối các con đập khiến Ấn Độ chỉ khai thác được 1/3 tiềm năng thủy điện là 145 gigawatt.

“Chúng tôi cần phải có gần 40 sự chấp thuận từ các ban ngành khác nhau trước khi bắt đầu xây dựng một dự án thủy điện. Tất cả sự xem xét kĩ lưỡng nên được thực hiện ở giai đoạn này. Bất kì sự dừng lại nào sau khi việc xây dựng đã bắt đầu đều có vấn đề” - ông Goyal nói.

Các con đập lớn cũng là cách Ấn Độ thúc đẩy nền kinh tế địa phương ở các khu vực dọc biên giới căng thẳng với Trung Quốc và Pakistan.

Khi thủy điện trên sông Subansiri sắp kết thúc, NHPC đang hoàn thiện kế hoạch trao các đơn đặt hàng xây dựng cho dự án Dibang 2,9 gigawatt - nhà máy thủy điện lớn nhất mà Ấn Độ đã lên kế hoạch xây dựng.

Để thúc đẩy thủy điện, chính phủ Ấn Độ yêu cầu các đơn vị phân phối điện cấp tỉnh phải ưu tiên mua điện của nhà máy thủy điện trước điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.

Chính phủ Ấn Độ cũng đã đồng ý hỗ trợ ngân sách trong một số trường hợp xây dựng dân dụng và công tác điều tiết lũ lụt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn