MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lính cứu hỏa chuyển đá để chặn lũ ở Mẫu Đơn Giang, Hắc Long Giang, ngày 5.8.2023. Ảnh: Xinhua

Bài học từ mưa lũ lịch sử ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Khánh Minh LDO | 07/08/2023 21:00

Trải qua trận mưa lũ lịch sử ở Bắc Kinh sau 140 năm, các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc cần tăng cường hệ thống giám sát thời tiết và khí tượng thủy văn khi thời tiết cực đoan dự kiến tiếp tục gia tăng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

SCMP đưa tin, những trận mưa lớn ở thủ đô Trung Quốc gây ra lũ lụt chết người đã phá vỡ một loạt kỷ lục khí tượng.

Theo Cơ quan Khí tượng Bắc Kinh, một trạm khí tượng ở quận Xương Bình đã ghi nhận lượng mưa 744,8 mm trong 5 ngày - cao nhất kể từ năm 1891.

Tuy nhiên, Lâm Thành (thuộc tỉnh Hà Bắc lân cận) ghi nhận lượng mưa lớn nhất với 1.003 mm trong 3 ngày. Điều đó tương đương với lượng mưa trong vòng 2 năm ở khu vực này.

Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, trong đợt mưa lớn ở Bắc Kinh, dữ liệu từ hơn 100 trạm khí tượng tự động trong thành phố đã bị gián đoạn vì sự cố về điện hoặc sự cố ở trạm. Vì vậy vệ tinh và công nghệ radar được đưa vào sử dụng để hỗ trợ xác định lượng mưa.

Lính cứu hỏa sơ tán người dân ở quận Phòng Sơn, Bắc Kinh, ngày 2.8.2023. Ảnh: Xinhua

Shao Sun - nhà khí hậu học tại Đại học California, Irvine (Mỹ) - cho biết đây là trận mưa lũ lớn nhất ở miền bắc Trung Quốc kể từ năm 1964, phá vỡ kỷ lục trận lũ lụt năm 2012 khiến 79 người thiệt mạng và hơn 1,6 triệu người bị ảnh hưởng.

Ông Sun nhận định, những trận mưa như trút nước hầu hết chịu tác động của cơn bão Doksuri, áp cao cận nhiệt đới và các dãy núi Thái Hành Sơn và Yên Sơn ở miền bắc Trung Quốc.

Ông Sun cho biết thêm, sự hình thành của bão Khanun cũng mang một lượng lớn hơi ẩm đến miền bắc Trung Quốc, dẫn đến hiện tượng thời tiết “chưa từng có tiền lệ - phá vỡ kỷ lục”.

Kể từ đầu thế kỷ 21, số lượng các trận mưa lớn đã tăng lên ở miền bắc Trung Quốc, ông Sun nói. “Về tình hình mưa lũ trong lịch sử, trong những năm 1950-1970, vành đai mưa chính tập trung ở miền bắc Trung Quốc, sau đó di chuyển sang miền nam Trung Quốc vào những năm 1980-1990. Kể từ đầu thế kỷ 21, vành đai mưa lại dần dịch chuyển về phía bắc”.

Từ góc độ lịch sử, miền bắc Trung Quốc đang trải qua nhiều đợt mưa lớn gia tăng, dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và lũ lụt gia tăng đáng kể.

Theo các chuyên gia, điều quan trọng đối với các cơ quan khí tượng thủy văn là nâng cao khả năng dự báo và cảnh báo cũng như các biện pháp phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Một con đường lầy lội sau mưa ở quận Mãn Đầu Câu, Bắc Kinh, ngày 31.7.2023. Ảnh: Xinhua

Zhang Jianyun - cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Thủy lực Nam Kinh - nhận định rằng Trung Quốc nên tăng cường nghiên cứu về cơ chế của những cơn bão cực đoan và cải thiện độ chính xác của dự báo thời tiết, đặc biệt cần phải tăng cường giám sát về dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

“Nhiều trạm thủy văn được đặt ở vùng nông thôn Trung Quốc nhưng đều trong tình trạng hoang tàn. Khi lũ về, trạm có thể bị cuốn trôi, ảnh hưởng đến các thiết bị kiểm soát, báo cáo thông tin”, ông Jianyun nói.

Hơn nữa, vấn đề ngày càng trở nên cấp bách khi nghiên cứu cho thấy các khu vực có độ cao lớn sẽ có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng mưa cực đoan.

Nhóm nghiên cứu của nhà khí hậu học Shao Sun phát hiện trong một báo cáo năm 2020 rằng, Bắc Kinh nằm trong số 6 thành phố ở miền đông Trung Quốc có nguy cơ ngập úng cao nhất.

Ông Sun cho biết: “Những phát hiện này nhấn mạnh những thách thức khó khăn mà các thành phố ở miền bắc Trung Quốc gặp phải do hệ thống thoát nước kém, mạng lưới sông ngòi bị hạn chế và quy hoạch không gian xanh đô thị không minh bạch, khiến chúng rất dễ bị ngập lụt nghiêm trọng khi các trận mưa lớn ập tới bất ngờ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn