MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Putin kiểm tra súng trường bắn tỉa Chukavin SVCh-308 của nhà sản vũ khí Nga Kalashnikov, năm 2018. Ảnh: Sputnik

Bí ẩn hàng chục ông trùm vũ khí Nga không bị phương Tây trừng phạt

Ngọc Vân LDO | 01/07/2022 18:30
Gần 30 lãnh đạo các công ty vũ khí Nga và ít nhất 14 công ty quốc phòng Nga không bị Mỹ, EU hoặc Anh trừng phạt.

“Điểm danh” các ông trùm chưa bị trừng phạt

Theo Reuters, trong số những ông trùm vũ khí chưa bị bất kỳ cơ quan chức năng nào của Mỹ, EU hoặc Anh trừng phạt có ông Alan Lushnikov - cổ đông lớn nhất của Kalashnikov Concern JSC, nhà sản xuất súng trường tấn công nổi tiếng AK-47. Lushnikov sở hữu 75% cổ phần của công ty, theo hồ sơ kinh doanh gần đây nhất được Reuters xem xét.

Bản thân công ty Kalashnikov đã bị Mỹ trừng phạt năm 2014, năm Nga sáp nhập bán đảo Crimea. EU và Anh tự trừng phạt  Kalashnikov trong năm nay.

Kalashnikov chiếm 95% sản lượng súng máy, súng bắn tỉa, súng lục, các loại súng cầm tay khác, và 98% súng máy quân sự cầm tay của Nga. Vũ khí của Kalashnikov bao gồm súng trường tấn công AK-12, một phiên bản cập nhật của AK-47. Công ty cũng sản xuất tên lửa có thể bắn từ máy bay hoặc trên đất liền.

Ông Lushnikov từng là Thứ trưởng Bộ Giao thông Nga và từng làm việc cho ông trùm hàng hóa Gennady Timchenko - một người bạn lâu năm của Tổng thống Vladimir Putin. Mỹ trừng phạt ông Timchenko vào năm 2014.

Súng trường Kalashnikov. Ảnh: SciTechDaily

Tương tự với Almaz-Antey Concern - công ty quốc phòng có trụ sở tại Mátxcơva chuyên về tên lửa và hệ thống phòng không. Công ty đã bị Mỹ, EU và Anh trừng phạt, nhưng giám đốc điều hành Yan Novikov vẫn không hề hay hấn.

Ông Sergei Pitikov - Giám đốc điều hành Công ty KBM của Nga, nhà sản xuất tên lửa Tochka-U - không bị Mỹ, EU hay Anh trừng phạt. Ba đồng minh phương Tây cũng “tha” cho Alexander Denisov - Giám đốc điều hành NPO - công ty mẹ của KBM. NPO giám sát việc sản xuất nhiều loại tên lửa, pháo, súng phóng lựu và súng máy được quân đội Nga sử dụng và trang bị trên trực thăng quân sự, máy bay, xe tăng và tàu chiến.

Các công ty khác trong ngành công nghiệp quốc phòng của Nga được Reuters xác định chưa bị Mỹ, EU hoặc Anh trừng phạt bao gồm nhà máy V.A.Degtyarev - chuyên sản xuất súng máy, vũ khí chống tăng và phòng không bán cho quân đội Nga. Vũ khí của V.A.Degtyarev bao gồm súng máy Kalashnikov PKM và PKTM, cũng như súng trường và súng máy Kord, một số được trang bị trên xe bọc thép.

Cũng không bị trừng phạt là nhà máy đạn dược chuyên dụng Klimovsk, nơi sản xuất các “băng đạn nổi tiếng thế giới" cho súng lục và súng trường tấn công Kalashnikov. Nhà máy Novosibirsk cũng vậy - nhà sản xuất đạn dược tự gọi mình là “một trong những doanh nghiệp kỹ thuật hàng đầu của ngành công nghiệp-quân sự của Nga”.

Mối liên hệ với phương Tây?

Một trong những công ty Nga nổi tiếng nhất thoát khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây là VSMPO-Avisma Corp - nhà cung cấp titanium lớn nhất thế giới, do tập đoàn quốc phòng Nga Rostec sở hữu 25%. Công ty không chỉ cung cấp titanium cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga, mà còn cho cả các công ty hàng không vũ trụ lớn của phương Tây.

VSMPO-Avisma có các công ty con với các cơ sở ở Mỹ, Thụy Sĩ và Anh, cũng như nhân viên kinh doanh và phân phối tại Mỹ Châu Âu và Châu Á. Theo các chuyên gia quốc phòng Nga trao đổi với Reuters, đây chắc chắn là một yếu tố giúp công ty thoát khỏi sự trừng phạt.

Phó Chủ tịch và cổ đông lớn của VSMPO-Avisma, tỉ phú Nga Mikhail Shelkov - được Forbes xếp hạng năm nay là người giàu thứ 59 của Nga - cũng không nằm trong danh sách trừng phạt.

Tỉ phú Mikhail Shelkov - Phó Chủ tịch và cổ đông lớn của VSMPO-Avisma. Ảnh: Alamy Stock Photo

Người trong cuộc lên tiếng

Trả lời danh sách các câu hỏi do Reuters đưa ra về các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, người phát ngôn Điện Kremlin cho hay, "tính nhất quán và logic của việc áp đặt các biện pháp trừng phạt, cũng như tính hợp pháp của việc áp đặt các hạn chế đó, là một câu hỏi cần được đặt ra với các quốc gia đã áp đặt”.

Giống như các lệnh cấm đối với các công ty Nga khác, các lệnh trừng phạt đối với các công ty vũ khí nhằm cản trở khả năng bán hàng cho khách hàng nước ngoài. Các biện pháp này hạn chế quyền tiếp cận nhập khẩu linh kiện và nói chung khiến việc sản xuất vũ khí trở nên tốn kém và mất thời gian hơn. Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người đứng sau các công ty đó còn đi xa hơn, cho phép các quốc gia phương Tây tịch thu dinh thự, du thuyền và của cải ở nước ngoài nào của những người này và giới hạn nơi họ có thể ra nước ngoài.

Reuters đã cung cấp cho các nhà chức trách phương Tây danh sách chi tiết của hơn 20 công ty và hơn 30 ông trùm vũ khí Nga thoát khỏi các lệnh trừng phạt. Bộ Ngoại giao Anh cho biết, không thể bình luận về các lệnh trừng phạt trong tương lai. Bộ này nói thêm rằng, Anh và các đồng minh đã áp dụng "các biện pháp trừng phạt kinh tế lớn nhất và khắc nghiệt nhất mà Nga từng phải đối mặt”. Ủy ban Châu Âu và Bộ Tài chính Mỹ từ chối bình luận về các chi tiết cụ thể trong phát hiện của Reuters. 

Mời Quý vị cùng lắng nghe chương trình Giờ thứ 9 của Báo Lao Động

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn