MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Yuri Gagarin trước chuyến bay vào vũ trụ trên con tàu Vostok, ngày 12.4.1961. Ảnh: RIA

Bí ẩn vụ tai nạn khiến phi công vũ trụ Yuri Gagarin thiệt mạng

Thảo Phương LDO | 29/03/2023 07:38

Kỹ năng của phi công và điều kiện thời tiết xấu dường như là giả thuyết tầm thường cho cái chết của phi công vũ trụ Yuri Gagarin, song đây cũng là lý do duy nhất thuyết phục.

Buổi sáng se lạnh ngày 27.3.1968, bầu trời khu Kirzhach thuộc Vùng Vladimir bị xuyên thủng bởi tiếng gầm rú của động cơ. Một chiếc máy bay chiến đấu phản lực lao thẳng qua những đám mây, cắt đứt ngọn cây và nổ tung ngay sau đó. Một mảnh áo mắc trên cây bạch dương, trong túi là một phiếu ăn sáng chưa sử dụng ghi tên “Gagarin Yu. A.”.

Cái chết gây sốc của “anh hùng vũ trụ Gagarin” đã khởi đầu một cuộc điều tra quy mô lớn trong bí mật. 55 năm trôi qua, những kết quả không rõ ràng cho đến ngày nay tiếp tục làm âm ỉ nhiều tin đồn về nguyên nhân của thảm họa.

Năm 1960, nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev, người kế nhiệm Stalin đã lựa chọn Yuri Gagarin là nhà du hành vũ trụ thực hiện nhiệm vụ trên con tàu Vostok 1.

Gagarin trở thành ngôi sao khi anh thành công với chuyến bay lịch sử 108 phút. Theo đó, chỉ 1 ngày sau khi về trái đất, Gagarin đã được thăng cấp từ trung uý lên thiếu tá.

Một tấm thảm đỏ được trải đến bục phát biểu, dọc theo đó là những người cổ vũ, máy quay phim, Gagarin đi trên con đường đến chiếc huân chương của Khrushchev với dây giày chưa kịp buộc.

Một cuộc ăn mừng riêng trong các sảnh của Điện Kremlin kéo dài thêm 3 giờ; một cuộc họp cho báo chí nước ngoài đã được lên lịch vào ngày hôm sau. Gagarin hầu như không có thời gian nhưng vẫn phải đến thăm 30 quốc gia theo sự sắp xếp của chính quyền Liên Xô.

“Anh hùng vũ trụ” đã sống trong hào quang suốt 3 năm sau chuyến hành trình 108 phút. Ảnh: RIA

Ở hầu hết mọi quốc gia, Gagarin đều phải tham gia những sự kiện gặp gỡ, chiêu đãi, diễn văn và ăn sáng long trọng với các lãnh đạo. “Anh hùng vũ trụ” đã sống theo chế độ ấy trong gần 3 năm, thói quen làm việc trước đây của một phi hành gia cũng dần bị lãng quên.

Cuối cùng, tên của Gagarin cũng biến mất khỏi trang nhất của các phương tiện truyền thông thế giới. Vị đại tá 30 tuổi đang ở đỉnh cao danh vọng phải hòa nhập trở lại cuộc sống đời thường. Gagarin tham gia các lớp học tại Học viện Không quân Zhukovsky - nơi anh có ý định trở lại phục vụ lâu dài trong hàng không chiến đấu.

Những người làm việc cùng Gagarin xác nhận, sau nhiều năm tham gia các chuyến công du, Gagarin đã mất tư cách phi công chiến đấu và cần được đào tạo lại.

Chính vì vậy, chuyến bay huấn luyện của Gagarin và người hướng dẫn Vladimir Seregin đã diễn ra vào ngày 27.3.1968, song kết quả trái ngược với kỳ vọng của nó khiến nhiều người hoài nghi.

Máy bay của Gagarin và Seregin cất cánh tại Chkalovsky lúc 10h18, chỉ 12 phút sau, Gagarin đã báo cáo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và xin phép và trở về căn cứ, sớm hơn dự kiến 8 phút. Tuy nhiên, máy bay của “anh hùng vũ trụ” đã không nhận được tín hiệu thêm một lần nữa.

Giả thuyết kỹ năng của phi công gây ra tai nạn được cho là quá tầm thường bởi 2 người trên máy bay đều có kinh nghiệm đầy mình. Tuy nhiên đây lại là giả thuyết hợp lý và phù hợp nhất với hoàn cảnh.

Giả thuyết tầm thường nhất lại là lý do thuyết phục nhất cho cái chết của Gagarin. Ảnh: RIA

Theo RT, sự tầm thường của giả thuyết cũng lý giải tính bí mật của nó.

Theo nhà sử học Anatoliy Brusnikin, Liên Xô thà lan truyền nhiều tin đồn còn hơn thừa nhận những sai lầm đơn giản trong quá trình chuẩn bị và thực hiện các chuyến bay huấn luyện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn