MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mehran Karimi Nasseri trong bức ảnh năm 2004. Ảnh: AFP

Bí mật về một người Iran 18 năm sống trong nhà ga sân bay Paris

Nguyễn Quang (Theo kp.ru) LDO | 21/11/2022 07:30
Mehran Karimi Nasseri - người Iran vừa qua đời cách đây vài ngày - đã sống suốt 18 năm ở nhà ga 2F, một trong những nhà ga của sân bay Paris Charles de Gaulle.

Có một thời gian, ông sống trong khu nhà ở dành cho những người vô gia cư nhưng khi biết mình sắp chết, ông đã trở lại sân bay để sống nốt những ngày cuối đời ở đó.

Nasseri đã ngoài 70 tuổi và chết vì một cơn đau tim. Tuổi chính xác của ông vẫn còn là một bí ẩn, giống như nhiều chi tiết khác của tiểu sử ông.

Câu chuyện từ một sự nhầm lẫn

Lần đầu tiên, Nasseri xuất hiện ở khu vực quá cảnh của sân bay Paris vào năm 1988. Chỗ ở của ông khi đó là một chiếc ghế dài bằng nhựa, ít lâu sau thì bên cạnh có thêm một chiếc bàn gấp, trên đặt một chiếc gương nhỏ và một bộ dao cạo điện.

Sau gần 8 năm với cuộc sống kỳ lạ ở sân bay, gia tài của Nasseri đã chất đầy một chiếc xe đẩy hành lý, trên đó ông để đồ đạc bao gồm nệm cắm trại và túi ngủ do hành khách tặng. Các tiếp viên hàng không cung cấp chăn và bộ đựng đồ xà phòng, kem cạo râu loại được phát cho khách hạng thương gia, còn các nhân viên tốt bụng của các quán cà phê trong sân bay thì cho ông ăn uống.

Cho đến giờ, không ai có thể nói chắc chắn liệu Mehran Karimi Nasseri có phải là công dân Iran hay không, nhưng theo tất cả những gì mà người ta biết được thì ông sinh ra tại Iran.

Nasseri luôn né tránh những câu hỏi về quốc tịch cũng như nguồn gốc của mình. Thường thì ông bắt đầu kể về tiểu sử của mình từ việc ông bị trục xuất khỏi Iran vào năm 1977 vì các hoạt động chống chính phủ, và sau khi du học ở Anh về, ông bị vào tù và sau đó bị lưu đày.

Hành trình dọc Châu Âu

Theo lời Nasseri kể, sau khi trốn thoát khỏi nơi bị lưu đày, với tấm hộ chiếu tị nạn, Nasseri đã đến Châu Âu với hy vọng sẽ tìm thấy người mẹ của mình. Và dường như chính phủ Bỉ đã cấp cho ông ta giấy tờ để ở lại Bỉ vào năm 1981, điều này cho phép ông dễ dàng vượt qua các biên giới các nước Châu Âu.

Năm 1988, Nasseri mua vé máy bay từ Paris đến London. Ông nói với lính biên phòng Pháp rằng, ông không có bất kỳ thứ giấy tờ nào vì bị mất cắp. Các quy định khi đó dễ dàng hơn bây giờ nhiều. Nasseri được phép lên máy bay. Nhưng lính biên phòng Anh thì lại không tin vào câu chuyện của ông và Nasseri được gửi ngược lại Paris trên chuyến bay tiếp theo.

Trong thư gửi kèm theo người bị trả về, người ta ghi tên ông là Alfred. Giờ đây, không ai biết đây có phải là tên thật của ông hay chỉ do ông đánh lừa những người lính biên phòng Anh khi chọn cái tên này.

Các nhà chức trách Pháp cũng từ chối, không cho Nasseri vào lãnh thổ của họ. Một thư yêu cầu xác minh đã được gửi đến Bỉ, và trong khi chờ thư phản hồi, vị khách du lịch không có giấy tờ tùy thân được cho phép tạm thời ở sảnh trung chuyển trong sân bay.

Câu trả lời từ Brussels đến tương đối nhanh: Người ta không biết gì về người tị nạn Iran này cả. Và Pháp cũng không thể trục xuất kẻ lang thang đến Iran, vì vào thời điểm đó quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Iran đã bị cắt đứt.

Mehran Karimi Nasseri cạo râu vào sáng sớm, tại nhà ga số 1 của sân bay Paris Charles De Gaulle. Ảnh: AFP

Cuộc sống khép kín

Thế rồi, Nasseri dần ổn định cuộc sống ở nhà ga và lãnh đạo sân bay cũng chẳng còn để mắt tới ông nữa. Truyền thông thế giới cũng đã biết đến ông.

Năm 1999, các nhà hoạt động nhân quyền giúp Nasseri có được giấy phép đi đến bất kỳ quốc gia nào ở Tây Âu. Điều này gây một cú sốc đối với người đàn ông tội nghiệp đến nỗi ông... không chịu đi đâu cả.

Phải đi viện

Nhiều người hiểu rằng, một người phải sống trong các bức tường của cảng hàng không ít nhất cũng bị các vấn đề về tâm lý. Và ban quản lý sân bay thở phào nhẹ nhõm khi vào năm 2006, Nasseri cần được chăm sóc y tế khẩn cấp mà chỉ có thể được cung cấp trong bệnh viện.

Sau khi xuất viện, Nasseri được đưa vào một khu nhà dành cho những người vô gia cư. Nhưng một vài tuần trước khi qua đời, ông lại quay trở lại sân bay và tại đây, ông đã ra đi mãi mãi trong chuyến đi cuối cùng của cuộc đời mình.

Mang theo những điều bí ẩn

Báo cáo của cảnh sát cho hay, người chết không mang trong người bất kỳ giấy tờ gì, ngoài vài nghìn euro tiền mặt. Trong trại nuôi dưỡng những người vô gia cư mà Nasseri từng trú ngụ trước khi chết, không có gì ngoài mấy chiếc quần áo lót.

Được biết, trong nhiều năm sống tại sân bay, Nasseri không phải tiêu một đồng nào, trong khi ông nhận được rất nhiều tiền quyên góp từ hành khách và thành viên phi hành đoàn, rồi tiền thù lao do các phóng viên trả cho các cuộc phỏng vấn (lúc cao điểm, ông trả lời phỏng vấn tới 7-8 lần một ngày). Và công ty của đạo diễn Steven Spielberg thậm chí còn ký cho ông tấm séc trị giá 250.000 USD?

Câu chuyện của Nasseri đã truyền cảm hứng cho đạo diễn nổi tiếng Spielberg đến nỗi vào năm 2004, ông quay bộ phim “Terminal” đầy bi kịch với vai chính do Tom Hanks thể hiện. Để có quyền sử dụng các chi tiết trong tiểu sử của Nasseri, Spielberg phải chi cho ông ta một số tiền đáng kể. Vậy là Nasseri đã mang theo xuống mồ cả bí mật về số vốn của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn