MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kinh tế Mỹ được dự báo sẽ suy thoái trong vòng 1 năm tới. Ảnh: Getty

Bloomberg: Dự báo chắc chắn tới 100% về suy thoái kinh tế Mỹ

Khánh Minh LDO | 18/10/2022 07:20
Suy thoái kinh tế Mỹ trong vòng 12 tháng tới chắc chắn tới 100%, theo mô hình dự báo mới.

Kinh tế Mỹ không tránh khỏi suy thoái

Nền kinh tế Mỹ chắc chắn 100% sẽ bước vào suy thoái trong 12 tháng tới - theo mô hình do hai nhà kinh tế của Bloomberg đưa ra hôm 17.10, dựa trên 13 chỉ số tài chính. Điều tồi tệ hơn nữa là sự suy thoái dường như không thể tránh khỏi có thể đến sớm hơn - 73% khả năng có thể xảy ra trong vòng 11 tháng và 25% khả năng trong vòng 10 tháng.

Những kết quả đó tồi tệ hơn đáng kể so với lần gần nhất Bloomberg chạy mô hình, khi hãng này dự đoán về cuộc suy thoái với độ chắc chắn chỉ 65%. Kết quả này ảm đạm hơn so với dự đoán của Tổng thống Joe Biden, người đã khẳng định Mỹ sẽ tránh được suy thoái kinh tế, không như nhiều nhà kinh tế cho rằng suy thoái dường như đang rình rập ngay xung quanh. Ông Biden nói, nếu có một cuộc suy thoái nào đó thì sẽ “rất nhẹ”.

Không phải tất cả chuyên gia đều chắc chắn về sự suy thoái của Mỹ. Một cuộc khảo sát với 42 nhà kinh tế đã dự đoán 60% khả năng suy thoái trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, dự đoán của họ cũng tồi tệ hơn kể từ lần dự đoán cuối cùng, cho thấy Mỹ có 50% cơ hội thoát khỏi suy thoái.

Một cuộc thăm dò khác của các nhà kinh tế, do Wall Street Journal tiến hành hôm 17.10, cho thấy khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ trong 1 năm tới là 63%. Thăm dò chỉ ra nguyên nhân là các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày càng cao hơn sau nhiều năm không có sự điều chỉnh nào. Hơn một nửa trong số những người được khảo sát cho rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất vượt quá mức lành mạnh, cuối cùng sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế.

Lạm phát tiếp tục dao động gần mức cao nhất trong 4 thập kỷ, ngay cả khi Fed liên tục tăng lãi suất trong nỗ lực kiềm chế chi phí sinh hoạt tăng cao. Trong khi Tổng thống Biden ca ngợi số lượng việc làm với hy vọng mang lại cho cử tri điều gì đó tích cực để ghi nhận ông về mặt kinh tế, khẳng định tài chính của Washington vô cùng mạnh mẽ và phần còn lại của thế giới đang gặp vấn đề, thì nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden đã để lại một lỗ hổng lớn về tài chính. Kể từ khi bước vào Nhà Trắng cách đây chưa đầy ba năm, ông Biden đã bổ sung thêm 3,37 nghìn tỉ USD vào khoản nợ quốc gia, lên mức cao kỷ lục 31 nghìn tỉ USD.

Trong khi nhiều người trong đảng Cộng hòa - và thậm chí một số đảng viên Dân chủ - đổ lỗi cho ông Biden về những khó khăn tài chính của Mỹ, thì người tiền nhiệm Donald Trump của ông cũng đã bổ sung hơn 7 nghìn tỉ USD vào khoản nợ quốc gia, phần lớn là do đợt in tiền chưa từng có trong đại dịch COVID-19.

Kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều thách thức. Ảnh: Getty

Kinh tế toàn cầu đối mặt thách thức

Trong khi đó, theo cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers, nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất trong 4 thập kỷ qua.

RT dẫn lời ông Summers cho biết tại cuộc họp thường niên của Viện Tài chính Quốc tế ở Washington: “Đây là tình huống thách thức phức tạp, khác biệt và xuyên suốt nhất mà tôi có thể nhớ trong 40 năm qua". Ông chỉ trích Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, cùng với các ngân hàng trung ương, vì đã đánh giá thấp những rủi ro do lạm phát cao kéo dài, và không hành động phù hợp để đối phó với khủng hoảng.

Ông Summers nói rằng giữa lãi suất tăng, đồng USD mạnh hơn, thiếu hụt năng lượng và lương thực, căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu, “ai đó nên đề xuất giải pháp quan trọng” để thay đổi tình hình theo hướng tốt hơn. Tuy nhiên, ông không nói rõ thêm về điều này.

Fed đã tăng lãi suất 5 lần cho đến nay trong năm nay và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng đã làm theo. Tuy nhiên, ông Summers nói rằng các nhà quản lý đã chờ đợi quá lâu để hành động để kiềm chế giá cả tăng và lãi suất sẽ phải tăng thêm nữa ngay cả khi điều đó đưa nền kinh tế vào suy thoái.

“Nếu cố gắng tránh tăng lãi suất sẽ chỉ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ và sẽ phải có bước đi khó khăn hơn sau đó. Và điều này sẽ dẫn đến tất cả hậu quả cho phần còn lại của thế giới” - ông cảnh báo.

Theo ông Summers, một trong những hệ quả như vậy sẽ là khó khăn trong việc cung cấp tài chính cho thị trường nợ. Ông lấy ví dụ ở Anh: Ngân hàng Trung ương Anh đã khởi động chương trình mua trái phiếu chính phủ khẩn cấp vào tháng trước để đối phó với việc giá trái phiếu giảm mạnh sau khi chính phủ tuyên bố cắt giảm thuế lớn.

“Với những gì đã xảy ra ở Vương quốc Anh, một số trong đó là vết thương do bản thân tự gây ra, nhưng một số là chấn động về những gì đang xảy ra trong hệ thống toàn cầu… Và khi có chấn động, không phải lúc nào cũng có động đất, nhưng có lẽ nên suy nghĩ về việc bảo vệ khỏi động đất” - ông giải thích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn