MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường ống dẫn khí Nord Stream đã không hoạt động kể từ sau vụ nổ tháng 9.2022. Ảnh: Xinhua

Các phương án thay thế Nord Stream đưa khí đốt vào EU

Linh Nhi LDO | 25/01/2024 16:06

Sau khi Nord Stream bị phá hủy vào tháng 9.2022, EU đang tìm kiếm những cách thức mới để nhập khẩu khí đốt.

Turkmenistan tìm cách mở rộng thị trường khí đốt sang châu Âu

Với trữ lượng khí đốt đã được chứng minh là 7.680 tỉ mét khối tính đến năm 2017, đứng thứ 6 trên thế giới và chiếm khoảng 4% tổng trữ lượng khí đốt tự nhiên của thế giới, Cộng hòa Trung Á Turkmenistan đang mong muốn mở rộng thị trường khí đốt của mình - theo tờ EurAsian Times.

Tháng 7 năm ngoái, Turkmenistan ra thông báo sẵn sàng vẽ lại bản đồ cơ sở hạ tầng khí đốt, dự kiến nối Trung Á và Nam Caucasus với Thổ Nhĩ Kỳ và hướng tới châu Âu. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn chưa vượt qua các cuộc thảo luận.

Trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 2 năm 2022, Mátxcơva nắm giữ phần lớn thị trường khí đốt ở châu Âu. EU nhập khẩu 83% nhu cầu khí đốt, hầu hết từ Nga. Nhưng sau khi xung đột Ukraina bắt đầu, con số này đã giảm xuống chỉ còn 12% trong quý 3 năm 2023.

Các đường ống dẫn khí

Trong bối cảnh xung đột Ukraina kéo dài, EU không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với việc nhập khẩu khí đốt Nga. Một số quốc gia thành viên EU, như Tây Ban Nha và Bỉ, thậm chí tăng mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.

Con đường chính để vận chuyển khí đốt Nga đến châu Âu là mạng lưới đường ống từ thời Liên Xô qua Ukraina và Belarus.

Trong thỏa thuận quá cảnh năm 2019, Gazprom của Nga sẽ bơm hơn 40 tỉ mét khối mỗi năm qua Ukraina - thương vụ này mang lại cho Kiev tới 7 tỉ USD phí vận chuyển hàng năm. Trong số những người mua chính có Hungary, Áo, Slovakia và Italy.

Các đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đã bị phá hoại vào tháng 9 năm 2022 và thỏa thuận quá cảnh Gazprom với Ukraina sẽ hết hạn vào cuối năm 2024.

EU tìm kiếm các tuyến đường mới

Tình trạng này khiến EU phải đối mặt với vấn đề cung cấp LNG. Giờ đây, con đường khả thi duy nhất là đi qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Âu. Theo chiến lược đa dạng hóa nguồn cung khỏi Nga, EU đang nghĩ đến việc tăng cường mua khí đốt từ Azerbaijan.

Theo thỏa thuận giữa EU và chính Azerbaijan, lượng khí đốt cung cấp cho EU có khả năng tăng gấp đôi, lên ít nhất 20 tỉ mét khối/năm đến năm 2027.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nổi lên là nhân tố quan trọng trong trò chơi lớn này. Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc 99% vào khí đốt nhập khẩu, và hiện nhận khoảng 40% trong số đó từ Nga bằng đường ống Blue Stream và Turk Stream qua Biển Đen.

Blue Stream chỉ dành riêng cho Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng, trong khi Turk Stream chảy vào phần châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ và cung cấp cho các nước ở Nam và Đông Âu như Hy Lạp, Bosnia và Herzegovina, Romania, Serbia và Hungary.

Quay trở lại với Turkmenistan, điểm mấu chốt của toàn bộ câu chuyện là liệu, với sự phản đối của Nga và Iran, chưa rõ dự án đường ống dẫn khí xuyên biển Caspian (TCP) có trở thành hiện thực hay không. Tuy nhiên, dường Turkmenistan đã đưa ra quyết định chắc chắn dựa trên Công ước về tình trạng pháp lý năm 2018 cho phép có đủ cơ sở pháp lý để xây dựng TCP.

Đường ống dẫn khí TCP (đường đứt đoạn màu vàng bên phải) dự kiến sẽ chạy dưới biển Caspian từ Turkmenbashi ở Turkmenistan đến nhà ga Sangachal ở Azerbaijan, từ đó sẽ kết nối với mạng lưới đường ống hiện có để đến tay khách hàng châu Âu. Ảnh: Wiki

Trước đây, khí đốt Turkmenistan được xuất khẩu sang Nga thông qua Uzbekistan và Kazakhstan. Nhưng sau khi Liên Xô tan rã, Turkmenistan được tự do quan tâm đến các lợi ích của mình.

Đường ống dẫn khí TCP dự kiến sẽ chạy dưới biển Caspian từ Turkmenbashi ở Turkmenistan đến nhà ga Sangachal ở Azerbaijan, từ đó sẽ kết nối với mạng lưới đường ống hiện có để đến tay khách hàng châu Âu.

Chừng nào việc xuất khẩu khí đốt của Nga sang các nước EU còn được đảm bảo thì khí đốt của Nga vẫn tiếp tục chảy vào thị trường châu Âu.

Nhưng khi Nord Stream 1, Nord Stream 2 không còn nữa và thỏa thuận trung chuyển với Ukraina sẽ hết hạn vào năm 2024, EU đã lôi kéo cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan trở thành những nước vận chuyển khí đốt của Turkmenistan đến châu Âu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn