MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một kỹ thuật viên làm việc tại xưởng của công ty sản xuất chip ôtô ở Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Cách thức Hong Kong có thể vượt lên trong cuộc đua chip toàn cầu

Ngọc Vân LDO | 28/02/2023 07:00

Giới chuyên gia đề xuất các bước mà Hong Kong (Trung Quốc) có thể thực hiện để vượt lên trong cuộc đua chip toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng Hong Kong nên đặt mục tiêu phát triển những đột phá trong vật liệu bán dẫn và công nghệ đóng gói chip bằng cách thu hút nhân tài và doanh nghiệp nếu muốn dẫn đầu khu vực về vi điện tử.

Nhưng quá trình này sẽ không dễ dàng, Hong Kong cần cam kết đầu tư một số tiền đáng kể trong nhiều năm và vượt qua các rào cản trong việc bảo đảm thiết bị sản xuất chip của phương Tây trước những hạn chế của Mỹ.

SCMP đưa tin, lãnh đạo cơ quan tài chính Hong Kong Paul Chan Mo-po tuần trước đã công bố kế hoạch thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển Vi điện tử tại Yuen Long InnoPark vào năm tới. Ông kỳ vọng viện sẽ trở thành “tổ chức hỗ trợ phát triển vi điện tử hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Phát triển ngành công nghiệp vi điện tử là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Hong Kong nhằm biến đặc khu hành chính thành một trung tâm đổi mới và công nghệ (I&T) quốc tế.

Viện Nghiên cứu và Phát triển Vi điện tử có nhiệm vụ phát triển sản xuất chip và chất bán dẫn nội địa để sản xuất ôtô điện. Viện sẽ khám phá mọi cơ hội trong việc chế tạo tất cả các loại chip và chất bán dẫn, nhưng trọng tâm chính sẽ là đóng gói mạch tích hợp và chất bán dẫn thế hệ thứ ba cho ôtô điện.

Giáo sư William Wong Kam-fai, phó trưởng khoa kỹ thuật của Đại học Trung Quốc, cho biết Hong Kong cần phát triển công nghệ tiên tiến của riêng mình trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn và đóng gói mạch tích hợp nếu muốn thành công trong cuộc đua chip toàn cầu.

Ông nói: “Nếu Hong Kong có thể phát triển một loại vật liệu bán dẫn mới thay thế silicon, thì sẽ tạo ra một loại công nghệ sản xuất chip khác, từ thiết kế, chế tạo đến đóng gói. Đây là một trong những cách để đạt được những bước đột phá trong công nghệ bán dẫn và dẫn đầu cuộc chơi”.

Silicon là vật liệu được sử dụng nhiều nhất trong chế tạo chip máy tính và các nhà khoa học đang cố gắng tạo ra một chất thay thế có thể dẫn nhiệt và điện tốt hơn cho chất bán dẫn.

Các chất bán dẫn thế hệ thứ ba mà chính quyền thành phố đang chú ý sử dụng silicon carbide và gallium nitride, thích hợp cho các thiết bị công suất cao như ôtô điện, trung tâm dữ liệu và sản xuất năng lượng tái tạo.

Wong cho biết Hong Kong có thể phát triển các mạch tích hợp 3D của riêng mình hoặc thậm chí là mạch 4D để đóng gói chip, điều này có thể tăng khối lượng xếp chồng chip và bù đắp cho việc thành phố thiếu công nghệ cao để giảm kích thước chip.

Ông nói: “Nếu Hong Kong có thể phát triển các mạch tích hợp 3D hoặc thậm chí 4D của riêng mình, thì họ có thể nhận được bằng sáng chế về công nghệ và sau đó có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt chip ở bất kỳ đâu trên thế giới".

Tuy nhiên, ông Wong lưu ý, sẽ không bao giờ dễ dàng đạt được những bước đột phá trong công nghệ bán dẫn. Hong Kong cần tích cực săn tìm nhân tài phù hợp cho nghiên cứu phát triển và doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ.

Cảng Victoria của Hong Kong. Ảnh: Xinhua

Nguồn cung chip bán dẫn bị thiếu hụt kể từ năm 2020 khi tình trạng khan hiếm toàn cầu do sự gián đoạn chuỗi cung ứng của COVID-19 tấn công ngành công nghệ Trung Quốc.

Tình trạng thiếu hụt bắt đầu trở nên tồi tệ hơn vào tháng 10.2022, khi Mỹ áp đặt các hạn chế sâu rộng đối với việc xuất khẩu chất bán dẫn được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ. Lệnh cấm được thiết kế để cắt đứt nguồn cung cấp công nghệ quan trọng mà Trung Quốc có thể đã sử dụng để sản xuất vũ khí và điện toán tiên tiến.

Trung Quốc sử dụng hơn 3/4 chất bán dẫn của thế giới nhưng chỉ sản xuất khoảng 15% trong số đó. Sự sụt giảm trong hoạt động buôn bán chip bán dẫn đã ảnh hưởng đặc biệt đến ngành sản xuất ôtô của đại lục.

Giáo sư Christopher Chao, phó chủ tịch nghiên cứu và đổi mới tại Đại học Bách khoa, cho biết Hong Kong cần nỗ lực thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn và mua thiết bị chế tạo chip.

Ông nói: “Vấn đề là liệu Hong Kong có đủ thiết bị cần thiết để chế tạo chip hay không. Loại hình phát triển nào và quy mô mà Hong Kong hướng tới là gì? Đây là những câu hỏi Hong Kong cần phải suy nghĩ”.

Giáo sư Chao nói thêm, tốt hơn hết là Hong Kong nên tập trung tham vọng bán dẫn của mình vào một lĩnh vực duy nhất như điện toán lượng tử hơn là theo đuổi sản xuất chip trên diện rộng.

“Hong Kong có những lợi thế riêng trong việc thu hút nhân tài vì hệ thống của đặc khu hoàn toàn khác với hệ thống của đại lục, trong khi họ có khả năng tiếp cận công nghệ phương Tây tương đối nhiều hơn. Nhưng sự phát triển của công nghệ bán dẫn đòi hỏi những nỗ lực lâu dài và sẽ tốn rất nhiều tiền. Chính quyền cần tìm cách nâng cao vốn” - giáo sư Chao nói.

Công viên Khoa học cho biết sẽ mở Trung tâm Vi điện tử tại InnoPark vào năm tới để cung cấp các trung tâm sản xuất tiên tiến cho các ngành công nghiệp trong lĩnh vực này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn