MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Singapore được xếp hạng là một trong bốn trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Ảnh: Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore

Cán cân tài chính chứng kiến sự dịch chuyển Tây - Đông

Thảo Phương LDO | 07/03/2023 12:00

Tài chính toàn cầu đang chuyển dịch từ Tây sang Đông khi các nhà đầu tư rời xa trung tâm truyền thống tại Bắc Mỹ và châu Âu để hướng về châu Á.

Thị trường tài chính luôn chuyển động khi quỹ tổ chức và các nhà đầu tư tái cân bằng hạng mục cũng như tìm kiếm cơ hội trong các lĩnh vực mới nổi. Bên cạnh các giao dịch hàng ngày được phản ánh trong những chỉ số riêng lẻ, xu hướng dịch chuyển trọng tâm từ Tây sang Đông cũng đang diễn ra trong lĩnh vực tài chính.

Theo Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu được công bố bởi Viện Phát triển Trung Quốc và tổ chức tư vấn Z/Yen Partners, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) đang giữ vị trí đầu trong bốn trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, theo sau là New York (Mỹ) và London (Anh). Kết quả điều tra được dựa trên yếu tố địa chính trị, tình hình kinh tế và lợi nhuận từ các khoản đầu tư.

3 thành phố lớn của Trung Quốc là Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến nằm trong top 10 của bảng xếp hạng đã phần nào củng cố khẳng định xu hướng chuyển dịch nền tài chính từ Âu sang Á vẫn tiếp tục bất chấp tác động của đại dịch và những bất ổn như xung đột Nga - Ukraina.

Các hoạt động tài chính toàn cầu đã chuyển hướng sang châu Á trong thập kỷ qua. Ảnh: APEC

Theo giới chuyên môn, các nhà đầu tư thuộc mọi loại hình đều cân nhắc 3 yếu tố quan trọng trước khi quyết định nơi chuyển vốn hoặc đầu tư vào một lĩnh vực mới.

Thứ nhất, khả năng kết nối dễ dàng, cho phép công dân và người ngoại quốc chuyển các khoản đầu tư qua lại giữa nhiều trung tâm tài chính khác nhau mà không bị chậm trễ.

Thứ hai, sự ổn định trong chính trị khi có một bộ luật đáng tin cậy và một môi trường xã hội không dễ bị thay đổi bất ngờ. Cuối cùng, các nhà đầu tư cần sự sôi động của nơi sở hữu nền kinh tế mở và có chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp, công ty khởi nghiệp và thúc đẩy cơ hội quốc tế.

Giáo sư tài chính Sumit Agarwal của Đại học Quốc gia Singapore nhận định: “Rõ ràng châu Á đang trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi có quá nhiều hoạt động sản xuất, nhu cầu về các dịch vụ tài chính và đầu tư cũng đang ngày một tăng”.

Singapore đang trở thành trung tâm quản lý tài sản toàn cầu cho các nhà đầu tư và quản lý quỹ. Ảnh: Z/Yen Partners

“Các quốc gia đông dân cư như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đang mở cửa và đạt đến mức độ toàn diện về mặt tài chính. Chỉ riêng ở Ấn Độ, 500 triệu tài khoản ngân hàng mới đã được mở trong vài năm qua và điều đó tạo ra một số lượng lớn các nhà đầu tư tiềm năng” - ông Sumit Agarwal nói thêm.

Sự ra đời của công nghệ tài chính đã tác động lớn đến xã hội khi nó được hỗ trợ bởi tốc độ và sức mạnh của Internet. Từ đó, các nhà đầu tư đã đưa ra loạt giải pháp giúp mọi người có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng dễ dàng hơn, các giao dịch trực tuyến không chỉ mang lại sự tiện lợi mà còn tăng hiệu suất sử dụng với chi phí thấp.

Theo báo cáo của công ty kế toán PwC, Singapore đang trở thành trung tâm quản lý tài sản toàn cầu cho các nhà đầu tư và quản lý quỹ. Theo đó, giá trị tiền tệ mà “quốc đảo sư tử” nắm giữ đạt mức kỷ lục 4,7 nghìn tỉ đô la Singapore (3,5 nghìn tỉ USD) vào cuối năm 2020, tăng 17% so với năm trước. Trong số tài sản đó, 78% có nguồn gốc bên ngoài Singapore, với hơn một nửa đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Singapore là một trong bốn trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Ảnh: Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore

Trong những năm qua, Singapore cũng đã chứng kiến ​​số lượng văn phòng dành cho gia đình (SFO) tăng lên nhanh chóng. Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) ước tính có khoảng 700 SFO ở thành phố tính đến cuối năm 2021, tăng từ 400 năm trước. Các báo cáo gần đây của ngành ước tính con số này có thể đã tăng lên trên 1.000 và có thể cao tới 1.500.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn