MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Ảnh: AFP

Cạn tiền, Ukraina phải bán trái phiếu chiến tranh

Song Minh LDO | 27/06/2022 16:44
Ukraina phải bán trái phiếu chiến tranh để có tiền duy trì hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế rơi tự do vì chiến sự với Nga.

Các đồng minh của Ukraina đã gửi vũ khí hạng nặng và đồ bảo hộ để giúp quân đội nước này chống lại các lực lượng Nga đang tiến công. Tuy nhiên, nếu không có tiền để tiếp tế cho quân đội, thì cuộc chiến có thể đã nhanh chóng sụp đổ. Lời kêu gọi quyên góp tiền điện tử đã giúp chính phủ đứng vững. Ngoài ra, theo tờ Washington Post, Kiev cũng dựa trên một công cụ lỗi thời mà các quốc gia thường sử dụng trong thời kỳ nguy khốn: Trái phiếu chiến tranh. 

Trái phiếu chiến tranh là gì?

Trái phiếu chiến tranh là những công cụ nợ được chính phủ phát hành để huy động tiền tài trợ cho hoạt động sản xuất và quân sự, thường đi cùng với một chiến dịch tuyên truyền nhằm thúc đẩy việc mua trái phiếu như một nghĩa vụ công dân.

Trái phiếu chiến tranh có xu hướng trả lãi ít hơn so với trái phiếu thông thường, và việc hoàn trả có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ. Trái phiếu chiến tranh của Ukraina có cấu trúc tương tự như các khoản nợ mà nước này bán thường xuyên trong thời bình và chúng sẽ đáo hạn sau ba tháng đến một năm.

Trái phiếu chiến tranh tạo ra sự khác biệt nào?

Trái phiếu chiến tranh đã giúp duy trì hoạt động của chính phủ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào tháng 2 khiến nền kinh tế Ukraina rơi tự do. Không thể vay với lãi suất có thể trả được, Bộ Tài chính đã đổi tên trái phiếu trong nước thông thường thành "trái phiếu quân sự" để được bán với giá 1.000 hryvnia (34 USD). 

Trái phiếu kỳ hạn một năm có lãi suất là 11%. Đối với người mua, bao gồm các ngân hàng địa phương và hơn 70.000 công dân và doanh nghiệp, khoản đầu tư là một bước nhảy vọt về niềm tin. Lạm phát đang diễn ra với tốc độ hàng năm là 16%, nhưng chính phủ vẫn bán được số trái phiếu tương đương 3,1 tỉ USD trong 38 cuộc đấu giá từ tháng 3 đến tháng 5. Kiev cũng cân nhắc việc bán cái gọi là trái phiếu hòa bình để huy động ngoại tệ khi nước này vận động các nhà tài trợ quốc tế cung cấp tới 50 tỉ USD tài trợ khẩn cấp.

Ukraina kêu gọi người dân mua trái phiếu chiến tranh. Ảnh chụp màn hình

Trái phiếu chiến tranh đã được sử dụng thế nào?

Lịch sử có nhiều ví dụ về việc các chính phủ chi mạnh tay cho việc xây dựng quân đội, sau đó bán trái phiếu chiến tranh để giảm lượng tiền mặt lưu thông và giữ lạm phát trong tầm kiểm soát. Vương quốc Anh đã phát hành trái phiếu chiến tranh quốc gia trong Thế chiến thứ nhất, với lãi suất 5% và việc phát hành được hỗ trợ bởi một chiến dịch quảng cáo khổng lồ nhằm truyền cảm hứng cho lòng nhiệt thành yêu nước. Khi được mua lại gần một thế kỷ sau, chúng vẫn thuộc sở hữu của 120.000 nhà đầu tư. 

Mỹ đã bán “trái phiếu tự do” trong Thế chiến thứ nhất và “trái phiếu quốc phòng” trong Thế chiến thứ hai. “Trái phiếu quốc phòng” đã được chuyển đổi thành trái phiếu chiến tranh sau khi Nhật Bản ném bom Trân Châu Cảng, khiến Mỹ tham gia vào cuộc xung đột và được 85 triệu người Mỹ mua lại, giúp chính phủ huy động được khoảng 185 tỉ USD vào cuối chiến tranh.

Các quốc gia khác đã bán trái phiếu chiến tranh chưa?

Các chính phủ đã sử dụng nhiều lời kêu gọi yêu nước để bán các công cụ nợ bất thường trong thời kỳ khó khăn. Italia đã bán trái phiếu được hỗ trợ bằng doanh thu từ xổ số quốc gia vào năm 2001 khi nước này là quốc gia có nợ công cao nhất Liên minh Châu Âu.

Năm 2012, Hy Lạp đã cố gắng bán “trái phiếu cho người di dân” để thu hút tiền từ những công dân sống ở nước ngoài trong thời kỳ khủng hoảng nợ trầm trọng của quốc gia này.

EU đã cân nhắc việc bán cái được gọi là “trái phiếu corona” - một công cụ chia sẻ rủi ro gây tranh cãi để giúp các quốc gia thành viên chống lại tác động kinh tế của đại dịch COVID-19. Mặc dù ý tưởng đó không thành công, 27 thành viên của EU đã bắt tay vào khoản vay lớn nhất từ ​​trước đến nay trong việc vay vốn chung, được gọi là chương trình trái phiếu NextGenerationEU (thế hệ tiếp theo của EU).

Theo số liệu của Bộ Tài chính Ukraina, các nguồn thu chính của ngân sách kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ngày 24.2 đến ngày 24.5 bao gồm: Ngân hàng trung ương Ukraina (4,1 tỉ USD); Trái phiếu chiến tranh (3,1 tỉ USD); Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF (1,4 tỉ USD); EU (1,4 tỉ USD); Mỹ (986 triệu USD); Các chính phủ Châu Âu (859,5 triệu USD); Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (703 triệu USD); Ngân hàng Thế giới (678 triệu USD).

Ukraina gây quỹ bằng cách nào khác?

Ngoài việc bán trái phiếu chiến tranh trong nước, Ukraina đã quyên góp được hơn 60 triệu USD tiền mặt và tiền điện tử nước ngoài nhờ các chiến dịch truyền thông xã hội thu hút sự đồng cảm trên toàn thế giới.

Bằng cách quyên góp Bitcoin, Ether và Tether cùng với tiền thông thường và bằng cách dựa vào các nhà cung cấp thiết bị để chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử, Kiev đã có thể nhanh chóng tìm được nguồn cung cấp áo chống đạn, mũ bảo hiểm và thuốc mà không cần dựa vào hệ thống ngân hàng địa phương - vốn hỗn loạn và dễ bị tổn thương bởi các cuộc tấn công mạng. 

Một nền tảng huy động vốn cộng đồng chuyên dụng cho phép các nhà tài trợ xem số tiền của họ đã được sử dụng như thế nào để làm cho quy trình trở nên minh bạch hơn. Các trang web được thiết lập để bán các NFT (nonfungible token - tạm dịch token không thể thay thế, là một loại tiền mã hoá độc nhất) với số tiền thu được sẽ được chuyển vào ví tiền điện tử của chính phủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn