MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga là một nhân tố không thể thay thế trên thị trường năng lượng toàn cầu, theo đánh giá của Fitch. Ảnh: RT

Cảnh báo thị trường năng lượng sụp đổ nếu Nga bị trừng phạt

Ngọc Vân LDO | 23/02/2022 09:43

Thị trường khí đốt và năng lượng thế giới có thể sụp đổ nếu phương Tây trừng phạt ngành năng lượng Nga, theo cảnh báo của Fitch.

Nga là một nhân tố không thể thay thế trên thị trường năng lượng toàn cầu, theo đánh giá của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch của Mỹ.

Nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây dẫn đến việc xuất khẩu dầu của Nga bị cắt hoàn toàn, thế giới có thể chứng kiến thị trường năng lượng quốc tế sụp đổ - ông Dmitry Marinchenko, giám đốc cấp cao Nhóm tài nguyên thiên nhiên của Fitch cho biết.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Nga TASS hôm 22.2, ông Dmitry Marinchenko giải thích rằng đà tăng đột biến hiện nay của giá dầu sẽ được giảm thiểu nếu không có thêm leo thang xung quanh Ukraina. Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng hơn nữa có thể là một thảm họa.

“Thặng dư địa chính trị của giá dầu hiện nay là khoảng 15 USD/thùng. Nếu mọi việc diễn ra theo kịch bản êm dịu nhất, có nghĩa là không có thêm leo thang, các biện pháp trừng phạt tối thiểu không ảnh hưởng đến lĩnh vực dầu khí và xung đột bị đóng băng, thặng dư địa chính trị này sẽ mất đi” - ông Marinchenko giải thích. 

Trong một kịch bản bi quan hơn, khi leo thang xung quanh Ukraina ngày càng gia tăng và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với lĩnh vực năng lượng của Nga, ông Marinchenko cho rằng giá dầu có thể vượt quá 100 USD/thùng. Theo chuyên gia, điều này sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng.

Nhà phân tích từ Fitch giải thích dự báo trường hợp xấu nhất bằng cách nhấn mạnh rằng không quốc gia nào khác có thể thay thế hoạt động xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên của Nga.

“Thị phần của Nga trên thị trường dầu thế giới là hơn 10%. Không có gì để thay thế. Còn rất ít dự trữ dầu, đặc biệt là khi nhu cầu đang dần phục hồi” - ông nói rõ.

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn cho Châu Âu. Ảnh: RT

Ngày 22.2, sau quyết định của Nga công nhận độc lập và chủ quyền của hai nước Cộng hòa Nhân dân ly khai Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraina, Mỹ và Liên minh Châu Âu tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. 

RT đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố "đợt trừng phạt đầu tiên" áp dụng đối với các tổ chức tài chính lớn nhất của Nga, cũng như “giới tinh hoa Nga cùng các thành viên gia đình”. Tổng thống Joe Biden cho biết ông cũng đang làm việc với Đức để ngăn chặn vận hành đường ống Nord Stream 2 và cắt "chính phủ Nga khỏi nguồn tài chính của phương Tây". 

Cùng ngày 22.2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã yêu cầu Bộ Kinh tế Đức thực hiện các bước “để đảm bảo rằng hệ thống đường ống dẫn khí từ Nga sang Đức không thể được chứng nhận tại thời điểm này và nếu không có chứng nhận, Nord Stream 2 không thể hoạt động”.

Sau động thái của Đức, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Dmitry Medvedev cảnh báo, người Châu Âu sẽ sớm phải trả 2.000 Euro (2.200 USD) cho mỗi nghìn mét khối khí đốt tự nhiên.

“Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ra lệnh ngừng chứng nhận đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Chà, chào mừng bạn đến với thế giới mới, trong đó người Châu Âu sẽ sớm phải trả 2.000 Euro cho mỗi nghìn mét khối khí đốt!” - cựu Tổng thống Medvedev viết trên Twitter.

Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 trị giá 12 tỉ USD, do tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga sở hữu, có khả năng vận chuyển 55 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên hàng năm từ Nga đến Đức. Khi vận hành, đường ống có thể là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại của Châu Âu và giúp nạp đầy các kho dự trữ của lục địa này, vốn đang trong tình trạng cạn kiệt khí đốt, còn lại chưa đến 5% vào tuần trước.

Mặc dù đã được hoàn thành vào tháng 8 năm ngoái, đường ống này đã va vào bức tường của bộ máy hành chính Châu Âu, và vẫn chưa giao được một mét khối nào do phải chờ chứng nhận. Mỹ và Ukraina, cũng như một số quốc gia Đông Âu khác, đã lên tiếng phản đối việc khởi động Nord Stream 2, cho rằng nó sẽ cho phép Mátxcơva sử dụng như một đòn bẩy chính trị đối với Châu Âu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn