MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự thay đổi các dòng hải lưu ở Đại Tây Dương có thể khiến tình trạng kỷ băng hà quay trở lại ở châu Âu. Ảnh: Xinhua

Cảnh báo về kỷ băng hà mới ở châu Âu

Song Minh LDO | 15/02/2024 18:20

Tình trạng kỷ băng hà có thể quay trở lại ở châu Âu, theo một nghiên cứu mới.

Trang intellinews.com cho hay, theo một nghiên cứu mới được công bố tuần trước, các dòng hải lưu ở Đại Tây Dương đang tiến đến "điểm tới hạn", sẽ làm thay đổi cách nước chảy quanh các đại dương trên thế giới và có thể khiến tình trạng kỷ băng hà quay trở lại ở châu Âu.

Dòng hải lưu kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC) chi phối các kiểu thời tiết trên thế giới bằng cách di chuyển một lượng lớn nước ấm hoặc lạnh trên toàn cầu, từ đó tạo ra gió và mưa.

Nếu những dòng hải lưu này thay đổi hướng đi thì gió mùa có thể bị dịch chuyển vĩnh viễn, biến những khu vực tươi tốt trước đây như Amazon trở nên khô cằn và mang mùa đông giống như ở Nga đến châu Âu. Các chuyên gia cho biết, việc thay đổi mô hình AMOC sẽ kéo theo những hậu quả sâu rộng và có thể gây ra hàng loạt thảm họa môi trường khác.

AMOC vẫn ổn định trong hàng nghìn năm, nhưng giờ đây, sự xuất hiện rõ ràng của một vùng nước tập trung rất ấm ngoài khơi bờ biển phía đông Mỹ cùng với một “vùng lạnh” ở biển phía nam Greenland (ảnh dưới), đang gióng lên hồi chuông báo động.

Vùng nước tập trung rất ấm ngoài khơi bờ biển phía đông Mỹ và “vùng lạnh” ở biển phía nam Greenland. Ảnh: Ruijian Gou/intellinews.com

Cách thức hoạt động là nước biển mặn ấm chảy về phía bắc, gặp tuyết mới và nước băng tan. Nước muối nặng hơn chìm xuống đáy đại dương tạo ra dòng nước lạnh dưới đáy biển, sau đó lại chảy về phía nam.

“AMOC có một điểm tới hạn sẽ bị phá vỡ nếu phía bắc Đại Tây Dương bị pha loãng với nước ngọt (do lượng mưa, dòng chảy sông và nước tan tăng), do đó làm giảm độ mặn và mật độ nước” - Giáo sư Stefan Rahmstorf tại Viện Khoa học Khí hậu Potsdam (Đức) cho biết.

Với nhiệt độ nước biển năm ngoái ở mức cao chưa từng thấy trong hàng nghìn năm, xu hướng này đang tiến đến điểm bùng phát mà hướng của các dòng hải lưu có thể thay đổi. Một khi chúng đã vượt qua điểm tới hạn này thì những thay đổi đó sẽ không thể phục hồi được, ngay cả khi nước biển nguội đi và trở lại nhiệt độ trung bình dài hạn của nó một lần nữa.

Sự cố AMOC cuối cùng xảy ra khoảng 12.000 năm trước và gây ra sự kiện lạnh Younger Dryas quanh phía bắc Đại Tây Dương, sự quay trở lại nhanh chóng của điều kiện kỷ băng hà ở các vùng của Bắc bán cầu.

Nghiên cứu mới cung cấp các mô phỏng chi tiết hơn và có độ phân giải cao hơn nhiều về tác động của sự sụp đổ AMOC đối với khí hậu so với trước đây, mặc dù được xem xét riêng biệt và không kết hợp với tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu do CO2 gây ra.

Chúng đặc biệt cho thấy khu vực miền bắc châu Âu từ Anh đến Scandinavia sẽ phải chịu những tác động tàn khốc, chẳng hạn như nhiệt độ mùa đông giảm từ 10 độ C đến 30 độ C trong vòng một thế kỷ, dẫn đến khí hậu hoàn toàn khác trong vòng một hoặc hai thập kỷ. Khí hậu của London có thể giống như Stockholm và Stockholm giống như Siberia.

Ngoài ra, chúng còn cho thấy những thay đổi lớn trong các vành đai mưa nhiệt đới, sẽ làm thay đổi hoàn toàn sinh quyển của những vùng đất rộng lớn ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.

Rahmstorf cho biết: “Những tác động này (và nhiều tác động khác) của sự sụp đổ AMOC đã được biết đến từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa được thể hiện trong một mô hình khí hậu có chất lượng cao như vậy”.

Ý tưởng về điểm bùng phát AMOC đã có từ lâu, nhưng nghiên cứu này lần đầu tiên chứng minh trong một mô hình khí hậu kết hợp toàn cầu tiên tiến nhất rằng, điều đó không chỉ khả thi mà còn chắc đến 95% xảy ra trước cuối thế kỷ này - theo một nghiên cứu khác của Peter Ditlevsen công bố trên tạp chí Nature năm ngoái.

Ditlevsen cho biết: “Sự sụp đổ sắp tới của AMOC là mối lo ngại lớn vì đây là một trong những yếu tố lật đổ quan trọng nhất trong hệ thống khí hậu Trái đất”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn