MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Châu Âu hứng chịu hạn hán nghiêm trọng kể từ năm 2018. Ảnh: TASS

Châu Âu đối mặt đợt hạn hán nghiêm trọng

Nguyễn Quang (Theo svpressa.ru) LDO | 07/05/2023 21:00

Châu Âu đang chuẩn bị đối mặt một đợt hạn hán sau một mùa đông với lượng mưa và tuyết hạn chế.

Tình huống tồi tệ

Nhiều quốc gia đang chờ đợi tình huống của mùa hè năm ngoái lặp lại, và có thể còn tồi tệ hơn.

“Hồ chứa quan trọng phục vụ hàng triệu người dân Catalonia (Tây Ban Nha) đang bị cạn kiệt. Một cuộc xung đột về nước đã xảy ra ở Pháp, nơi một số ngôi làng không thể cung cấp đủ nước cho cư dân. Và mực nước của con sông lớn nhất Italy đã xuống thấp như hồi tháng 6 năm ngoái” - ấn bản Politico gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Một nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh xác nhận rằng châu Âu đã phải hứng chịu hạn hán nghiêm trọng kể từ năm 2018. Ngay cả khi lượng mưa vẫn như trước đây thì biến đổi khí hậu vẫn sẽ làm giảm lượng nước sẵn có ở tất cả các vùng của châu Âu.

Bài báo lưu ý: “Nhiệt độ tăng cao khiến tình trạng khan hiếm nước trở nên khó khắc phục hơn, việc tiếp cận nguồn nước ở châu Âu sẽ ngày càng trở nên mong manh”.

Theo các chuyên gia, để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn khi hàng năm thiếu nước ngầm nghiêm trọng, châu Âu sẽ cần đến "một thập kỉ mưa lớn", tuy nhiên, theo dự báo của dịch vụ khí tượng Đức, lượng mưa ở châu Âu chỉ có giảm.

Mùa hè năm ngoái, việc hạn chế sử dụng nước đã được áp dụng ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Italy. Các chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả những cơn mưa mùa xuân cũng không loại bỏ được tình trạng thiếu nước ngầm đang diễn ra ở châu Âu.

Hạn hán năm ngoái đã làm cạn kiệt các hồ chứa nước trên mặt đất cũng như dưới lòng đất, và mùa đông thì lại ít tuyết, không như mong đợi. Vì vậy, đó là đợt khô hạn nhất trong 60 năm qua ở Pháp. Còn đến năm 2050, lượng nước ở Tây Ban Nha và Pháp có thể giảm tới 40%.

Ảnh chụp ngày 15.8.2022 đập Afsluitdijk, con đập ngăn cách hồ IJsselmeer và biển Wadden, ở Hà Lan. Ảnh: Xinhua

Hạn hán thành tranh chấp chính trị

Chính phủ các nước đang cố gắng giải quyết vấn đề thiếu nước, tuy nhiên, như Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã nói, hạn hán sẽ trở thành một trong những tranh chấp chính trị và lãnh thổ trọng tâm ở nước này trong tương lai gần.

Theo các chuyên gia, năm nay có tới 4 khu vực sẽ phải “xóa sổ” một số loại cây ngũ cốc và có thể “tạm biệt gần như toàn bộ vụ thu hoạch ô liu”.

Ở miền nam nước Đức, tranh chấp pháp lí về nước đã tăng gấp đôi trong hai thập kỉ qua, và ở Pháp, căng thẳng giữa các nhà bảo vệ môi trường và nông dân về việc xây dựng hồ chứa vào tháng trước đã gây ra các cuộc đụng độ dữ dội.

Chiến lược quốc gia mới về quản lý nước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm mục đích giảm tổng lượng nước tiêu thụ xuống 10% vào cuối thập kỉ này.

Chiến lược của Đức bao gồm các bước để đảm bảo sử dụng nước "bền vững" ở 10 tỉnh vào năm 2050, cũng như danh sách 78 biện pháp sẽ được thực hiện vào năm 2030.

Bài báo viết: “Quản lí tài nguyên nước và quyết định ai sẽ được tiếp cận với chúng đang trở thành một vấn đề chính trị trên khắp lục địa”.

Theo nhà nghiên cứu hàng đầu của Đài quan sát địa vật lí chính, tiến sĩ Andrei Kiselev, những năm gần đây đã chỉ ra rằng hạn hán đã trở thành một yếu tố nghiêm trọng.

“Vấn đề không chỉ là con người phải chịu nắng nóng cao, tỉ lệ tử vong và bệnh tật cao hơn, mà các con sông trở nên cạn, và trong số những thứ khác, đây là các tuyến đường hậu cần.

Việc vận chuyển hàng hóa dọc theo các con sông của châu Âu thực sự bị dừng lại, điều đó có nghĩa là các mối quan hệ kinh tế đang bị phá vỡ. Đây là một vấn đề lớn đối với châu Âu và không chỉ đối với nó.

Ngoài ra, còn có thêm rủi ro đối với nông nghiệp - thủy lợi, nhiệt độ cao. Hạn hán chỉ là một loại rủi ro. Còn có một tác động kết hợp giữa nắng gió và hạn hán. Nguy cơ hỏa hoạn tăng lên và nếu gió mạnh lên, ngọn lửa sẽ lan sang các khu vực khác.

Không thể tác động đến hệ thống khí hậu trong thời gian ngắn, bởi nó mang tính quán tính: Hôm nay ta làm gì thì ngày mai ta cũng không cảm nhận được kết quả, mà phải trải qua một khoảng thời gian tương đối lâu.

Cần phải nghiên cứu kinh nghiệm của những nước láng giềng, nhưng ngày nay chưa có biện pháp hiệu quả nào có thể giúp đối phó với những hiện tượng như vậy. Nó phát triển theo thời gian.

Cách đây một thời gian, có lũ lụt ở Đức, Cộng hòa Czech và Hà Lan. Nhưng Amsterdam có kinh nghiệm hàng thế kỉ trong việc xử lý yếu tố nước nên thiệt hại ít hơn nhiều so với các nước láng giềng.

Theo thống kê, các tình huống bất thường về thời tiết và khí hậu đang trở nên thường xuyên hơn. Có những lí do để nghĩ rằng có điều gì đó tương tự có thể xảy ra, đặc biệt là trong điều kiện mùa đông có ít tuyết. Không ai có thể đưa ra đảm bảo, nhưng triển vọng thì đã được vạch ra.

Cần phải lưu ý đến tính không đồng nhất của khí hậu ở châu Âu, điều đó có nghĩa là các vấn đề về kinh tế và chính trị xã hội ở các nơi đó sẽ khác nhau.

Vùng Scandinavia là nơi mát mẻ hơn, có nhiều hồ, có nhiều khả năng được hưởng lợi từ điều này. Các lớp băng vĩnh cửu có thể sẽ bắt đầu tan chảy và nước sẽ đến, còn ở Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp sẽ gặp khó khăn hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn