MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kệ hàng của một siêu thị ở Brussels, Bỉ, ngày 1.4.2022. Ảnh: Xinhua

Châu Âu hắt hơi, Mỹ cảm lạnh

Thảo Phương LDO | 15/06/2023 21:00

Chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại và lạm phát tăng cao đã dẫn đến hai quý suy thoái kinh tế liên tiếp ở Liên minh châu Âu (EU), ảnh hưởng đến Mỹ.

Khu vực đồng euro đã rơi vào suy thoái từ những tháng mùa đông năm ngoái và tăng trưởng năm nay có thể sẽ yếu đi. Các nhà kinh tế nhận định, châu Âu đã may mắn tránh được sự suy thoái nghiêm trọng, song lại vô tình tác động đến Mỹ và nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà kinh tế đặt câu hỏi: “Nếu châu Âu hắt hơi, liệu Mỹ có bị cảm lạnh?”. Ozge Akinci và Paolo Pesenti - hai chuyên gia của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York - cho biết, câu trả lời giống như: “Khi châu Âu bị cảm lạnh, phần còn lại của thế giới sẽ hắt hơi”.

Akinci và Pesenti gần đây đã xem xét, trong 30 năm qua, các cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu có ảnh hưởng đến Mỹ hay không. Cuối cùng, họ rút ra kết luận cho câu hỏi của nghiên cứu là: “Có, ở mức vừa phải”.

Hai nhà kinh tế của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York nhận định, sự phát triển của châu Âu có thể ảnh hưởng đến Mỹ theo một số cách.

Thứ nhất, Mỹ và châu Âu có các mối liên kết thương mại. Cư dân Mỹ sử dụng hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ châu Âu, đồng thời sản xuất hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu ra nước ngoài.

Thứ hai, các dòng chảy tài chính xuyên biên giới, khi các ngân hàng và doanh nghiệp Mỹ vay và cho vay đối với người tiêu dùng và các định chế tài chính ở châu Âu.

Thứ ba, tỉ giá hối đoái cũng ảnh hưởng đến lạm phát ở Mỹ và các cú sốc niềm tin toàn cầu có thể dẫn đến ảnh hưởng lan toả.

Điển hình như năm 2012, khi châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng nợ kéo dài. Những lo ngại về sức khỏe tài chính ở châu Âu, đặc biệt là ở Hy Lạp, đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng tín dụng trên khắp lục địa.

Cuộc khủng hoảng năm 2012 tại châu Âu có liên quan đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Trong biên bản cuộc họp tháng 9.2012 của Fed, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã nói về nguy cơ lây lan rủi ro. 

Các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh mức độ không chắc chắn cao liên quan đến khủng hoảng tài chính và ngân hàng châu Âu: “Nổi bật trong số những rủi ro này là khả năng gia tăng căng thẳng trong khu vực đồng euro, cụ thể là mức độ lan tỏa đến các thị trường và tổ chức tài chính của Mỹ”.

Các chuyên gia cho rằng, FED đang đánh giá vấn đề suy thoái kinh tế hiện tại ở châu Âu khi Ngân hàng trung ương Mỹ công bố quyết định mới nhất và các dự báo kinh tế.

Diễn biến này có thể thấy rõ hơn khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tới Pháp trong tuần tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì nhằm giải quyết một số vấn đề bao gồm ngân hàng phát triển và nợ toàn cầu.

Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) - ông David Solomon - cũng cho biết, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi đáng ngạc nhiên trong năm nay nhưng có khả năng phải đối mặt với “những cú va chạm đau đớn”.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở thời điểm không chắc chắn và cần khoảng thời gian thận trọng hơn một chút” - ông Solomon nhận định.

Ông Solomon dự báo nền kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào một môi trường “không phải là suy thoái, nhưng chắc chắn sẽ giống như suy thoái”: “Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ hạ cánh an toàn nhưng vẫn gặp khó khăn vì tăng trưởng chậm và lạm phát”.

Báo cáo việc làm mới nhất cho thấy, mức lương cơ bản đã tăng gần gấp đôi so với mức tăng trung bình hàng tháng trong 10 năm qua nhưng lạm phát vẫn cao hơn vào tháng 4. Thị trường việc làm mạnh mẽ và tiền lương cao hơn sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn khi các công ty tăng giá hàng hóa trong bối cảnh chi phí lao động tăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn