MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Châu Âu "thoát" Nga về khí đốt thế nào?

Ngọc Vân LDO | 21/02/2022 16:48

Bất chấp Nga "cố tình" giảm nguồn cung khí đốt, Châu Âu tự tin vẫn có thể "sống sót" trong mùa đông này.

"Ngay cả trong trường hợp nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bị gián đoạn hoàn toàn, chúng tôi vẫn an toàn trong mùa đông này" - tờ Politico dẫn lời Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich. Bà von der Leyen đồng thời lưu ý rằng EU đã đa dạng hóa các nhà cung cấp khí đốt để sẵn sàng trong trường hợp tập đoàn năng lượng Nga Gazprom ngừng cung cấp.

"Trong thời điểm hiện tại, chúng tôi có thể thay thế khí đốt của Nga bằng việc cung cấp khí tự nhiên hoá lỏng LNG mà chúng tôi nhận được từ bạn bè trên toàn thế giới" - bà nói thêm.

Cung cấp năng lượng đang nổi lên như một khía cạnh quan trọng trong căng thẳng đang diễn ra giữa các nước phương Tây và Nga khi một số nước EU lớn, như Đức và Italia, phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga.

Bà von der Leyen nhấn mạnh, Châu Âu sẵn sàng đối mặt với việc Nga có thể cắt khí đốt nhờ sự giúp đỡ của các nhà cung cấp thay thế, bao gồm cả Mỹ, và cơ sở hạ tầng năng lượng Châu Âu thậm chí có thể được sử dụng để cung cấp khí đốt cho Ukraina, nếu cần.

Bà Von der Leyen cũng cảnh báo rằng Châu Âu nên đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng bền vững, cũng như một cách để độc lập với khí đốt của Nga.

Châu Âu phụ thuộc thế nào vào Nga về khí đốt tự nhiên?

Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho Châu Âu, đáp ứng gần 40% nhu cầu của lục địa này. Tiếp theo là Nga là Na Uy, cung cấp khoảng 22%; Algeria và Azerbaijan cung cấp lần lượt 20% và 10%.

Sự phụ thuộc khí đốt của Châu Âu vào Nga càng nổi rõ vào cuối năm 2021, khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho Châu Âu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraina ngày càng trầm trọng. Trên thực tế, Mátxcơva cho biết vẫn đang đáp ứng lượng khí đốt cho Châu Âu theo đúng hợp đồng; chỉ ngừng bán khí đốt tự nhiên bổ sung được mua trên cơ sở giao ngay. Điều này dẫn đến việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế cáo buộc Nga phá hoại an ninh năng lượng của châu Âu.

Khi nguồn cung bổ sung bị cắt giảm, giá năng lượng ở Châu Âu đã tăng gần 5 lần từ 19 euro mỗi megawatt giờ lên 95 euro mỗi megawatt giờ. Tuy nhiên, sự gia tăng này cũng liên quan đến mức dự trữ khí đốt thấp ở Châu Âu và giá than cao hơn. 

Tác động của việc cắt giảm nguồn cung cũng được người tiêu dùng cảm nhận khi họ phải trả hóa đơn điện và khí đốt cao, trong khi chính phủ phải áp dụng các biện pháp giảm thuế và trợ cấp.

Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu phụ thuộc vào Nga 65% nhu cầu khí đốt tự nhiên, trong khi Italia nhận 43% khí đốt từ Nga hơn 16% từ Pháp. Tuy nhiên, các quốc gia nhỏ hơn khác như Cộng hòa Czech, Hungary và Slovakia gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Nga về nhu cầu khí đốt tự nhiên, còn Ba Lan mua 50% lượng khí đốt từ Nga.

Tập đoàn Gazprom của Nga chịu trách nhiệm cung cấp khí đốt cho Châu Âu theo các hợp đồng dài hạn. Ngoài ra, Gazprom thực hiện bán hàng giao ngay cho các quốc gia trên Nền tảng bán hàng điện tử (ESP) dựa trên các yêu cầu về thời gian của họ. Trong một mốc thời gian trùng với tình hình Ukraina đầy biến động, Gazprom đã không cung cấp thêm khí đốt trên nền tảng này kể từ tháng 8 năm ngoái, mà chỉ chuyển đủ lượng khí đốt theo hợp đồng dài hạn.

Sự phụ thuộc của Châu Âu vào Nga sẽ chỉ tăng lên nếu đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga đến Đức đi vào hoạt động, vì Gazporm cho biết đường ống mới sẽ có công suất cung cấp hàng năm là 55 tỉ mét khối, tức là cộng với đường ống Nord Stream 1 sẽ thành 110 tỉ mét khối. Đấy là chưa kể khí đốt đi vào Châu Âu từ các đường ống khác, chẳng hạn như đường ống chạy qua Ukraina.

Trong hai thập kỷ qua, Nga đã và đang xây dựng các tuyến đường cung cấp đến Châu Âu không qua Ukraina; có nghĩa là, nếu Nga cắt khí đốt cho Ukraina trong tình trạng khủng hoảng, nguồn cung của Châu Âu sẽ không bị ảnh hưởng bất lợi nhờ các đường ống sẵn có khác. Trước những năm 2000, đường ống Brotherhood đi qua Ukraina cung cấp 110 tỉ mét khối hàng năm cho Châu Âu, nhưng các đường ống mới hơn như đi đường ống Thổ Nhĩ Kỳ-Yamal, Turkstream và Blue Stream có thể cung cấp gần 80 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm mà không cần đi qua Ukraina.

Các lựa chọn thay thế của Châu Âu

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã và đang nỗ lực giảm bớt đòn bẩy của Mátxcơva bằng cách cung cấp và yêu cầu nhiều nhà cung cấp hơn gửi khí tự nhiên LNG đến Châu Âu.

Mỹ là nhà cung cấp LNG lớn nhất của EU, đã chuyển kỷ lục 400 triệu mét khối LNG mỗi ngày đến Châu Âu trong những tháng gần đây, giúp giảm giá năng lượng phần nào.

Tuy nhiên, ở đây cũng có những hạn chế, để khí có thể được hóa lỏng khi nạp vào, cần có các nhà máy hóa lỏng và để LNG được chuyển đổi trở lại dạng khí, các cảng hạ tải cần có các nhà máy tái tạo. Cả hai loại nhà máy này đều tiêu tốn hàng tỉ USD và rất nhiều thời gian để xây dựng.

Các chuyên gia cho rằng việc cắt hoàn toàn khí đốt tự nhiên từ Nga trong trường hợp xung đột là không có khả năng xảy ra, nhưng nếu điều đó xảy ra, thì theo Amy Myers Jaffe, giám đốc điều hành Phòng thí nghiệm Chính sách Khí hậu tại Đại học Tufts, nguồn cung LNG từ Mỹ cũng không thể tăng trong một sớm một chiều, và sẽ chỉ có thể đáp ứng 2/3 nhu cầu khí đốt của Châu Âu. 

Tác động đến Nga sẽ thế nào?

Mặc dù phụ thuộc đáng kể vào Nga về nhu cầu năng lượng, nhưng Châu Âu cũng là người mua lớn nhất của Nga, tiêu thụ gần 3/4 lượng khí đốt mà nước này sản xuất, đồng nghĩa với việc tăng thu nhập đáng kể cho Mátxcơva. Châu Âu cũng mua dầu từ Nga; và xuất khẩu dầu cùng khí đốt chiếm một phần lớn ngân sách liên bang của Nga.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nga xây dựng ngân sách theo cách có thể dành ra 630 tỉ USD dự trữ vàng và ngoại hối, có nghĩa là nếu doanh thu từ khí đốt bị ảnh hưởng trong một thời gian ngắn, nước này vẫn có đủ khả năng chịu đựng được.

Tuy nhiên, việc cắt đứt thương mại dài hạn với Châu Âu sẽ không có lợi cho Nga vì Châu Âu cũng sẽ bắt đầu tăng cường nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp và nguồn khí đốt tự nhiên thay thế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn