MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Châu Âu vật lộn với hạn hán tồi tệ nhất 500 năm

Hải Anh LDO | 15/08/2022 20:59
Mùa màng, các nhà máy điện, giao thông sà lan, công nghiệp và quần thể cá bị ảnh hưởng khi các dòng sông ở Châu Âu đang cạn kiệt. 

Giao thông đường thủy đình đốn

Khắp Châu Âu, hạn hán đang khiến những dòng sông khô cạn, gây ra những hậu quả tiềm tàng nghiêm trọng với ngành công nghiệp, vận tải hàng hóa, năng lượng và sản xuất lương thực - những lĩnh vực vốn chịu ảnh hưởng của thiếu hụt nguồn cung và giá cả tăng cao do xung đột Nga - Ukraina. 

Do mùa đông và mùa xuân khô hạn bất thường sau đó là nhiệt độ mùa hè kỷ lục cùng các đợt nắng nóng lặp đi lặp lại khiến các tuyến đường thủy thiết yếu của Châu Âu bị cạn kiệt, theo The Guardian. 

Không có lượng mưa đáng kể nào được ghi nhận trong gần 2 tháng qua khắp tây, trung và nam Châu Âu. Dự báo thời tiết cũng không nhận thấy khả năng có mưa ở Châu Âu trong tương lai gần. Các nhà khí tượng học cảnh báo, hạn hán lần này có thể trở thành đợt hạn hán tồi tệ nhất của châu lục trong hơn 500 năm.

Chuyên gia Andrea Toreti thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chung của Ủy ban Châu Âu cho biết: “Chúng tôi chưa phân tích đầy đủ sự kiện năm nay vì nó vẫn đang diễn ra. Không có đợt hạn hán nào trong 500 năm qua tương tự như hạn hán năm 2018. Nhưng tôi nghĩ, trong năm nay, hạn hán còn tồi tệ hơn". 

Viện Thủy văn Liên bang Đức (BfG) cho hay, mực nước sông Rhine, dòng chảy phục vụ cho vận tải hàng hóa, tưới tiêu, sản xuất, sản xuất điện và nước uống, sẽ tiếp tục giảm cho đến ít nhất là đầu tuần tới.

Ngày 12.8, mực nước tại điểm mốc quan trọng Kaub, cách Mainz 50km về phía hạ lưu, đã giảm xuống dưới 40cm. Đây là mức mà nhiều hãng tàu cho rằng không còn hiệu quả về mặt kinh tế để vận hành sà lan vận chuyển hàng hóa. Viện Thủy văn Liên bang Đức cảnh báo, mực nước có thể giảm xuống gần 30cm trong vài ngày tới.

Nhiều sà lan chở than cho các nhà máy điện và chở nguyên liệu thô quan trọng cho các công ty công nghiệp khổng lồ như nhà sản xuất thép Thyssen và tập đoàn hóa chất BASF đang hoạt động với khoảng 25% công suất. 

Là một phần quan trọng của nền kinh tế khu vực tây bắc Châu Âu trong nhiều thế kỷ, sông Rhine trải dài 1.233km từ Thụy Sĩ qua trung tâm công nghiệp của Đức trước khi đổ ra Biển Bắc tại cảng Rotterdam, Hà Lan. 

Việc dừng lưu thông bằng sà lan ở sông Rhine sẽ khiến nền kinh tế của Đức và Châu Âu gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia tính toán rằng, việc ngừng hoạt động sà lan 6 tháng trong năm 2018 gây thiệt hại khoảng 5 tỉ euro (5 tỉ USD). Mực nước thấp được dự báo sẽ khiến Đức thiệt hại 0,2 điểm trong tăng trưởng kinh tế năm nay.

Mùa màng thất bát, sinh vật bị đe dọa

Những dòng sông ở Pháp có thể không phải huyết mạch vận chuyển hàng hóa quan trọng như sông Rhine nhưng đảm nhận việc cung cấp nước làm mát các nhà máy hạt nhân sản xuất 70% điện năng của đất nước. Trong khi giá điện đạt mức cao nhất mọi thời đại, công ty điện lực EDF của Pháp lại buộc phải giảm sản lượng vì hạn hán.

Pháp có quy tắc nghiêm ngặt quy định mức xả nước làm mát mà các nhà máy điện có thể xả ra làm thay đổi nhiệt độ nước sông. Khi mực nước thấp kỷ lục và nhiệt độ không khí cao tức là nước sông đã quá nóng, các nhà máy điện hạt nhân không còn cách nào khác ngoài giảm sản lượng. Trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng đang gia tăng của Châu Âu và các sông Garonne, Rhône và sông Loire đã quá nóng để có thể xả nước làm mát, tuần trước, cơ quan quản lý hạt nhân của Pháp đã cho phép 5 nhà máy tạm thời phá quy tắc.

Tại Italia, dòng chảy của sông Po, con sông dài nhất Italia, đã giảm xuống 1/10 so với thông thường và mực nước sông thấp hơn bình thường 2m. Do không có lượng mưa ổn định trong khu vực từ tháng 11, sản xuất ngô và gạo risotto đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Thung lũng sông Po chiếm từ 30% đến 40% sản lượng nông nghiệp của Italia nhưng những người trồng lúa nói riêng đã cảnh báo có thể mất tới 60% mùa màng do các cánh đồng trồng lúa khô cạn và bị nhiễm mặn ở vùng hạ lưu. 

Ở những vùng đầm ngập nước của châu thổ sông gần Venice, nhiệt độ cao và dòng chảy chậm của sông khiến lượng ôxy trong nước giảm tới mức ước tính khoảng 30% lượng nghêu phát triển trong đầm bị chết. 

Mực nước sông thấp và nhiệt độ nước cao có thể khiến nhiều loài động thực vật bị chết. Tại Bavaria, sông Danube đạt nhiệt độ 25 độ C vào tuần trước và có thể đạt 26,5 độ C vào giữa 8, có nghĩa là lượng ôxy sẽ giảm xuống dưới 6 phần triệu, khiến cá hồi sông bị chết. 

Ngay cả Na Uy, quốc gia phụ thuộc vào thủy điện cho khoảng 90% sản lượng điện tiêu thụ, cũng thông báo mực nước thấp bất thường của các hồ chứa có thể khiến nước này buộc phải hạn chế xuất khẩu. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn