MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chế độ trọng dụng nhân tài đã ăn sâu vào tiềm thức học tập, thăng tiến của người dân Singapore. Ảnh: Bộ Nhân lực Singapore

Chạy đua giành suất trọng dụng nhân tài tại Singapore

Thảo Phương LDO | 01/03/2023 12:00

Trọng dụng nhân tài” từ lâu đã trở thành niềm tin của người dân Singapore nhưng khi vật chất lên ngôi, những đứa trẻ có điều kiện vẫn chiếm thế thượng phong.

Cha là tài xế taxi, mẹ là giáo viên, ông Lim Siong Guan - Cố vấn Ủy ban điều hành Quỹ Tài sản Quốc gia Singapore - dựa hoàn toàn vào học bổng của Tổng thống năm 1965 để hoàn thành bậc đại học.

“Tôi là người thụ hưởng một hệ thống chọn người theo năng lực chứ không phải nguồn lực tài chính. Giáo dục theo nhiều cách hoạt động, vẫn là công cụ quan trọng nhất duy trì sự công bằng”, ông Lim chia sẻ.

Ông Marvyn Lim Seng (Người sáng lập IN.Genius) cũng có xuất thân khiêm tốn và dành học bổng để tiếp tục du học tại Pháp và Mỹ những năm 1980 - 1990.

“Hệ thống giáo dục của đất nước đã mang lại cho chúng tôi cơ hội thoát nghèo và tìm được một công việc tốt hơn dựa trên các nghiên cứu và công sức học tập của mình”, ông Marvyn nhận định.

Hệ thống giáo dục tại Singapore luôn ưu tiên vấn đề trọng dụng nhân tài. Khi ấy, sự thăng tiến cùng phần thưởng về tinh thần, vật chất là kết quả của tài năng và sự nỗ lực của mỗi người.

Trong quá khứ, giáo dục tại Singapore không hoạt động theo nền tảng gia đình hay mối quan hệ và tầng lớp xã hội của người với người.

Ông Marvyn Lim Seng là người sáng lập IN.Genius, công ty khởi nghiệp về hàng không và vũ trụ. Ảnh: IN.Genius

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chế độ trọng dụng nhân tài đã xuất hiện những “lỗ hổng” mà nhiều người cho rằng nó đang trở thành tấm khiên ngăn chặn yếu tố bình đẳng về cơ hội.

Theo Phó giám đốc Gillian Koh của Viện Nghiên cứu Chính sách, những người thành công trong hệ thống trọng dụng nhân tài trước đó có thể cho thế hệ sau của họ một xuất phát điểm tốt hơn.

“Hệ thống trọng dụng nhân tài có thể rất công bằng vào những năm 1965 khi mọi người đều nghèo như nhau. Tuy nhiên, sau vòng thứ 2 của một hệ thống đề cao người có giỏi, những người có vị thế cao dựa trên điểm số, thành tích học tập… sẽ có nhiều nguồn lực để đảm bảo rằng con cái của họ làm tốt hơn những gì thế hệ trước đã thể hiện”, bà Gillian Koh nói thêm.

Thế hệ sau của những nhân tài được trọng dụng trước đó có nhiều ưu thế hơn người bình thường. Ảnh: Bộ Nhân lực Singapore

Nhiều thập kỷ trôi qua và công chúng ngày càng lo ngại về những thiếu sót của chế độ trọng dụng nhân tài. “Phương thức di truyền đặc quyền qua các thế hệ không còn là gia sản và danh hiệu mà là giáo dục. Người giàu đào tạo con họ tốt bởi họ trả nhiều tiền hơn cho các trường học, họ sẵn sàng thuê gia sư riêng”, Jason Tan, Phó Giáo sư thuộc Viện Giáo dục Quốc gia Singapore nhận định.

Theo giáo sư Tan, khi các thế hệ đi trước cạnh tranh công bằng thì con cháu của họ sẽ được giáo dục và đầu tư để có những suất học bổng cũng như công việc tốt nhất và chu kỳ cứ thế tiếp diễn.

Chất lượng giáo dục từ bậc mầm non đến đại học tại Singapore tăng cao theo từng ngày đã phản ánh cuộc chạy đua tranh giành chỗ đứng trong chế độ trọng dụng nhân tài đang bắt đầu ngày một sớm.

Chế độ trọng dụng nhân tài là một trong những trụ cột của triết lý quản trị Singapore trong nhiều thập kỷ. Ngay cả khi nhiều chuyên gia thừa nhận những nhược điểm của nó, Phó Thủ tướng Lawrence Wong vẫn khẳng định: “Trọng dụng nhân tài là cách tốt nhất để tổ chức xã hội của đất nước chúng ta”.

Cuộc chạy đua giành suất trọng dụng nhân tài bắt đầu từ bậc mẫu giáo. Ảnh: Viện Giáo dục Quốc gia Singapore

“Chế độ trọng dụng nhân tài khuyến khích mọi người cố gắng tận dụng tốt nhất những cơ hội sẵn có của họ và duy trì khả năng thăng tiến. Chúng ta không thể từ bỏ chế độ nhân tài, nhưng tôi tin rằng mọi người có thể cải thiện và đưa nó trở thành một chế độ cởi mở và nhân ái hơn”, Phó Thủ tướng Lawrence chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn