MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một người đàn ông sử dụng điện thoại ở Chennai, Ấn Độ. Ảnh minh họa: Xinhua

Chiến dịch detox kỹ thuật số của ngôi làng ở Ấn Độ

Thanh Hà LDO | 07/03/2023 10:00

Chiến dịch "detox kỹ thuật số" được triển khai ở một ngôi làng của Ấn Độ, trong đó yêu cầu người dân tắt điện thoại, tivi hoặc tiếp tục sử dụng và chịu thuế bất động sản cao.

Làng Mangaon, bang Maharashtra, Ấn Độ, đang kêu gọi 15.000 cư dân tắt điện thoại và tivi khi mặt trời lặn trong chiến dịch “detox kỹ thuật số” nhằm khuyến khích mọi người hòa nhập nhiều hơn với hàng xóm và để trẻ em yên tâm học tập.

Raju Magdum, trưởng hội đồng làng Mangaon, bày tỏ sự bàng hoàng với cách mọi người dán mắt vào màn hình mỗi đêm.

“Các gia đình không nói chuyện với nhau, trẻ em không tập trung làm bài tập về nhà trong khi hàng xóm chẳng dừng lại trên đường để trò chuyện xem cuộc sống của nhau ra sao" - ông nói. 

Từ ngày 8.3, còi báo động đặc biệt sẽ vang lên lúc 19h hàng ngày để báo hiệu cư dân làng Mangaon đã đến giờ tắt các thiết bị điện tử. Tới 20h30, còi lại vang lên báo hiệu giai đoạn “detox” kết thúc.

Trong chiến dịch cai nghiện thiết bị điện tử ngày ở làng Mangaon, nếu một gia đình liên tục phớt lờ quy định, chính quyền địa phương sẽ phạt bằng cách tăng thuế bất động sản.

Hầu hết những ngôi nhà trong làng ở Ấn Độ không đủ lớn để có phòng học riêng cho trẻ em. Vì mọi người đều ở trong cùng một không gian nên khi các bậc phụ huynh sử dụng điện thoại di động hay xem phim truyền hình khiến trẻ em bị ảnh hưởng tới khả năng tập trung.

Ông Magdum cho biết, nhiều ngôi làng trong khu vực sẵn sàng làm theo làng Mangaon. 

“Trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nề và học không tốt ở trường. Trong đại dịch, khi các trường học đóng cửa, trẻ em đã quen với việc dành thời gian cho điện thoại nhiều hơn bình thường" - ông nói. 

Ý tưởng cai nghiện kỹ thuật số lần đầu xuất hiện năm 2022 tại quận Sangli, tiếp giáp với làng Mangaon. Có 5 ngôi làng đã phát lệnh cấm buổi tối kéo dài 1 giờ do lo ngại thiếu tương tác xã hội và trẻ em không tập trung làm bài tập về nhà.

Jitender Dudi - quan chức chính phủ giám sát sự phát triển của quận Sangli - nhận định, lệnh cấm đã phát huy tác dụng.

“Đã khoảng 6 tháng trôi qua và tôi thấy nhiều cuộc trò chuyện, nhiều tiếng cười hơn, có nhiều giao tiếp bằng mắt hơn trong các gia đình và nhiều tương tác xã hội hơn" - ông chia sẻ với SCMP. 

"Toàn bộ bầu không khí trở nên vui vẻ và có tính tập thể hơn lúc 19h. Nhưng bằng cách nào đó, việc này không khiến trẻ em mất tập trung nhiều như điện thoại và tivi. Mọi người kết nối với nhau và đó là mục đích của chiến dịch" - ông nói thêm.

Năm 2021, cộng đồng Kỳ Na giáo ở Ấn Độ cũng đã phát động thử thách "cai nghiện" thiết bị kỹ thuật số trong nỗ lực giúp những người trẻ tuổi tránh xa các thiết bị điện tử. Hơn 2.000 người đã đồng ý không sử dụng các thiết bị điện tử trong 12 giờ mỗi ngày trong 50 ngày để “làm sạch” tinh thần.

“Điện thoại di động là đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ nguy hiểm” là khẩu hiệu của thử thách 50 ngày thanh lọc kỹ thuật số mà các tổ chức của cộng đồng Kỳ Na giáo quảng bá cho giới trẻ, theo The Times of India.

Bước đầu tiên của thử thách là đăng ký trực tuyến. Sau đó, người tham gia sẽ phải tránh sử dụng tất cả thiết bị điện tử gồm: Điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bảng... trong ít nhất 12 giờ mỗi ngày.

Nếu tham gia "cai nghiện" trong khung thời gian từ 9 giờ sáng đến 21h, mỗi người nhận được 12 điểm. Nếu tham gia từ 21h tối đến 9h sáng hôm sau thì được 9 điểm. 10 người dẫn đầu trong thử thách này giành được chuyến hành hương miễn phí đến Shri Sammed Shikharji ở Jharkhand.

Tháng 9.2022, các thành viên của cộng đồng Kỳ Na giáo ở bang Madhya Pradesh đã triển khai chương trình "detox kỹ thuật số" 24h trong khuôn khổ lễ hội Paryushan Parva. Khoảng 100 người từ Begumganj ở quận Raisen đã tắt điện thoại thông minh, đặt vào trong một ngôi đền vào buổi sáng khi bắt đầu thử thách.

Lãnh đạo cộng đồng địa phương Akshay Jain cho biết, sáng kiến "detox kỹ thuật số" được triển khai để giúp mọi người tránh xa điện thoại và Internet.

Một nhà lãnh đạo cộng đồng khác - Ajay Jain - nói rằng, quyết định về chiến dịch này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại nhiều người trẻ tuổi mắc chứng nghiện mạng xã hội, trò chơi điện tử và thậm chí cả nội dung khiêu dâm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn