MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Pháo tự hành K9 Thunder. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc

Chiến sự Nga - Ukraina: Nhu cầu vũ khí từ Hàn Quốc tăng cao

Khánh Minh LDO | 02/03/2023 07:00

Một năm sau khi chiến sự Nga – Ukraina bùng phát, các nhà sản xuất vũ khí tại Hàn Quốc đã trở nên bận rộn với nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới: Tên lửa, pháo tự hành, xe tăng, máy bay và bệ phóng tên lửa...

Tờ SCMP dẫn thông tin từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc (KIET) cho biết, xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc trong năm 2022 tăng 134% lên 17,3 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, mặc dù vị thế chưa bắt kịp so với Mỹ và Nga nhưng Hàn Quốc đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 8, chiếm 2,8% thị phần xuất khẩu toàn cầu trong 5 năm cho tới năm 2021.

Nhà phân tích công nghiệp quốc phòng Jang Won-joon của Viện Nghiên cứu KIET cho biết: “Hàn Quốc đang dần mở đường cho những nước có nhu cầu mua vũ khí”. 

Một trong những hợp đồng vũ khí sinh lợi mà Hàn Quốc nhận được trong năm nay là Korea Aerospace Industries - nhà sản xuất máy bay duy nhất của nước này - đã ký một thoả thuận trị giá 1,2 nghìn tỉ won (920 triệu USD) để xuất khẩu 18 máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50 sang Malaysia.

Thoả thuận với Bộ Quốc phòng Malaysia là một lợi thế của Hàn Quốc trước các hãng máy bay đối thủ - bao gồm Tejas của Ấn Độ, JF-17 của Pakistan, MiG-35 của Nga và Hurizet của Thổ Nhĩ Kỳ - đồng thời tạo thêm động lực để Hàn Quốc mở rộng thị trường sang Đông Nam Á sau khi nước này xuất khẩu máy bay quân sự, tàu chiến và các phương tiện khác sang Indonesia, Philippines và Thái Lan.

Ông Jang cho hay: “Hàn Quốc là một trong những nước hiếm hoi có thể cung cấp vũ khí với chi phí phải chăng cho những quốc gia khác trong thời gian ngắn, sau khi cuộc chiến ở Ukraina đã ‘báo động’ cho các cơ quan an ninh về tầm quan trọng của vũ khí thông thường”.

“Đối mặt với các mối đe doạ quân sự liên tiếp từ Triều Tiên trong nhiều thập kỷ, Hàn Quốc vẫn điều động quân đội trong nước phát triển và sản xuất vũ khí, liên tục thử nghiệm và bảo trì nếu có vấn đề phát sinh” - ông Jang chia sẻ thêm.

Vào tháng 12.2022, Ba Lan lần đầu tiên nhận được xe tăng và pháo vận chuyển từ Hàn Quốc sau khi đã ký kết hợp đồng vào mùa hè.

Xe tăng Black Panther K2. Ảnh: Wiki

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak đã có mặt tại cảng Gdynia trên bờ biển Baltic để chào đón sự xuất hiện của 10 xe tăng Black Panther K2 cùng với 24 khẩu pháo tự hành K9 Thunder được vận chuyển bằng đường biển.

“Tốc độ nhanh chóng của việc vận chuyển này có tầm quan trọng sống còn khi phải đương đầu với cuộc chiến sự Nga - Ukraina”, Tổng thống Duda nói.

Lô hàng này là một phần trong hợp đồng trị giá 5,76 tỉ USD được hai công ty Hàn Quốc Hyundai Rotem và Hanwha Defense ký với Cơ quan Vũ khí Ba Lan vào tháng 8.2022, nhằm cung cấp 180 xe tăng K2 từ Hyundai và 212 pháo tự hành K9 từ Hanwha cho quốc gia châu Âu này.

Một quan chức của Hanwha Defense cho biết: “Hàn Quốc vẫn chứng tỏ được vị thế dẫn đầu so với những đối thủ cạnh tranh khác để sản xuất và cung cấp vũ khí chỉ trong thời gian ngắn”. 

Nhà phân tích công nghiệp quốc phòng Jang Won-joon dự đoán Hàn Quốc sẽ thu về hơn 30 tỉ USD trong năm nay cho các đơn đặt hàng như xe tăng K2, pháo tự hành K9, bệ phóng tên lửa Chunmoo và các loại đạn dược.

Quốc gia này cũng mong muốn bán các phương tiện chiến đấu bọc thép trị giá trên 5 tỉ USD cho Australia và các loại vũ khí khác cho Các Tiểu Vương quốc Arab Thống Nhất (UAE), Saudi Arabia, Ai Cập và Ấn Độ trong năm 2023, ông Jang chia sẻ.

Pháo tự hành K9 Thunder trong cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc năm 2016. Ảnh: Xinhua

Theo hãng thông tấn Ukrinform, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng Hàn Quốc sẽ phản hồi tích cực lời kêu gọi của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg về việc cung cấp vũ khí sát thương cho nước này. Ông Stoltenberg phát biểu trong chuyến thăm tới Seoul vào cuối tháng 1: “Hàn Quốc nên quan tâm và thúc đẩy vấn đề hỗ trợ quân sự cụ thể”. 

Seoul dường như nới lỏng lập trường chống lại việc cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ khu vực nào đang trong tình trạng chiến tranh. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng cho hay: “Không có sự thay đổi nào đối với lập trường của chính phủ rằng chúng tôi không cung cấp vũ khí cho vùng chiến sự.

Chúng tôi đang rất tích cực tham gia viện trợ nhân đạo, bao gồm cả việc tái thiết Ukraina. Tuy nhiên, về vấn đề cung cấp vũ khí, cần có sự vào cuộc của toàn chính phủ”. 

Trong năm 2022, Mỹ được cho là đã ký một thoả thuận bí mật, mua 100.000 quả đạn pháo từ Hàn Quốc để thay thế đạn pháo của Mỹ sau khi đã cung cấp cho Ukraina, khiến Nga lên tiếng cảnh báo rằng điều đó có thể huỷ hoại mối quan hệ giữa Mátxcơva và Seoul.

Ông Jang của Viện Nghiên cứu KIET cho biết thêm: “Hàn Quốc ngày càng phải đối mặt với nhiều áp lực từ phía các nước đồng minh và NATO với vai trò là một quốc gia cung cấp vũ khí tiềm năng cho các nền dân chủ tự do”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn