MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng lớn nhất Thuỵ Sĩ UBS mua lại ngân hàng lớn thứ hai Credit Suisse. Ảnh: Xinhua

Cơ hội dòng vốn chuyển tới châu Á sau vụ phá sản ngân hàng phương Tây

Khánh Minh LDO | 23/03/2023 06:44

Sau các vụ phá sản ngân hàng Mỹ, dòng vốn quốc tế được dự báo sẽ chuyển hướng tới các thị trường châu Á.

Chuyển hướng dòng vốn quốc tế

Các chuyên gia nhận định cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu đã tác động tiêu cực đến niềm tin vào lĩnh vực tài chính phương Tây và làm lung lay nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các chuyên gia cũng cho biết, dòng vốn quốc tế khả năng cao sẽ bị rút khỏi thị trường châu Âu và chuyển sang châu Á, bao gồm cả đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc).

Kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu, đã có nhiều cuộc thảo luận tiết lộ rằng dòng vốn quốc tế sẽ “đổ xô” đến Hong Kong và Singapore.

Bloomberg cho biết, một số doanh nhân siêu giàu và văn phòng gia đình của họ sẽ đưa ra cân nhắc kỹ lưỡng hơn bao gồm việc có nên sử dụng ngân hàng Thuỵ Sĩ UBS cho tất cả các nhu cầu quản lý tài sản của họ hay không… Trong khi đó, châu Á là một điểm đến an toàn, đặc biệt là Singapore và Hong Kong.

Hong Kong sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh "Wealth for Good" vào ngày 24.3, nhằm mục đích thu hút các tỉ phú trên toàn thế giới.

Trong khi Thuỵ Sĩ đặt mục tiêu ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng thông qua việc UBS giải cứu Credit Suisse, nước này còn gây ra một sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu. Trái chủ Credit Suisse đã phẫn nộ vì mất trắng 17 tỉ USD trái phiếu AT1 sau vụ ngân hàng này được ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS mua lại.

Trái phiếu bổ sung hạng 1 (AT1) - còn được gọi là "các khoản chuyển đổi dự phòng" - là các khoản đầu tư tương đối rủi ro do có thể được chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu (cổ phiếu) nhằm giảm nợ cho doanh nghiệp phát hành.

Dong Dengxin - Giám đốc Viện Tài chính và Chứng khoán của Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán (Trung Quốc) - chia sẻ rằng động thái đầy bất ngờ của chính phủ Thuỵ Sĩ đã dấy lên mối lo ngại về đầu tư trái phiếu AT1 và toàn bộ thị trường tín dụng khác. Điều này sẽ làm cho trái chủ ngày càng khó tăng vốn khi phát hành trái phiếu AT1.

Một chiến lược gia của ngân hàng Goldman Sachs cho hay, đây cũng là tổn thất lớn nhất đối với trái chủ kể từ khi các công cụ này được phát triển sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Quyết định xóa sổ trái phiếu AT1 của Credit Suisse có thể làm giảm nhu cầu đối với loại trái phiếu này về lâu dài. 

Logo ngân hàng UBS và Credit Suisse ở Geneva, Thuỵ Sĩ, ngày 20.3.2023. Ảnh: Xinhua

Zhao Yongsheng, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Khu vực và Quốc tế tại Đại học Kinh doanh Quốc tế và Kinh tế Bắc Kinh, cho biết: “Thương vụ UBS - Credit Suisse chỉ tạm thời dập tắt cuộc khủng hoảng ngân hàng ở châu Âu, nhưng chúng sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cho nền tài chính của châu lục này”. 

Theo giáo sư Zhao, rủi ro vẫn tồn tại trong lĩnh vực ngân hàng của châu Âu khi các hạn chế dần được nới lỏng, lợi nhuận ngày càng được chú trọng cũng như các vấn đề khác.

Mối lo ngày càng lớn khi cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm 53% xuống dưới 1 USD vào ngày 20.3. Tình trạng của ngân hàng First Republic ở Mỹ tiếp tục trầm trọng hơn khi một nhóm ngân hàng lớn của Mỹ đã không thể giải cứu ngân hàng đang gặp nhiều rủi ro này.

Cổ phiếu của ngân hàng First Republic đã giảm 47% xuống mức thấp kỷ lục ngày 20.3 và giao dịch cổ phiếu bị tạm hoãn nhiều lần do biến động trong cùng một ngày.

Trung Quốc - nơi "trú bão"?

Một nghiên cứu gần đây tiết lộ rằng gần 200 ngân hàng ở Mỹ có thể phá sản như ngân hàng Silicon Valley (SVB) vì lãi suất tăng và tỉ lệ người rút tiền là rất lớn.

Giáo sư Zhao lưu ý, “cơn bão” khủng hoảng tài chính lớn hơn có thể ập đến nếu Thụy Sĩ và châu Âu không thay đổi chính sách tài chính kiểu Mỹ để khôi phục nền tài chính của châu Âu - nơi tập trung hơn vào quy định và sự thận trọng.

Giám đốc Dong Dengxin nói: “Cơ chế hoạt động của các ngân hàng Trung Quốc ổn định và một cuộc khủng hoảng như vậy khó có thể xảy ra ở Trung Quốc. Trung Quốc có các quy định nghiêm ngặt đối với các ngân hàng của mình, trong khi ngưỡng đầu vào của lĩnh vực này rất khắt khe và hiện các ngân hàng đều được kiểm soát chặt chẽ”.

“Cuộc khủng hoảng ngân hàng nổ ra bởi sự sụp đổ của ngân hàng SVB, cùng với việc Mỹ vũ khí hóa đồng USD kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraina, đã giáng một đòn mạnh vào niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế cho đồng USD, trái phiếu USD cũng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đồng thời đã làm lung lay nền tài chính lớn nhất thế giới” - ông Dong nói.

Giám đốc Dong cho biết, nhiều dòng vốn quốc tế sẽ rút khỏi Mỹ để mua vàng và tài sản bằng đồng nhân dân tệ. “Thị trường tài chính Trung Quốc sẽ trở thành nơi "trú bão" cho các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng toàn cầu gia tăng. Đây cũng là thời điểm thị trường tài chính Trung Quốc trở nên cởi mở và sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của đại lục sẽ mang lại nhiều sự bền vững hơn” - ông Dong nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn