MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen họp báo chung ở Kiev, ngày 8.4.2022. Ảnh: AFP

Con đường Ukraina gia nhập EU còn khó hơn vào NATO

Ngọc Vân LDO | 01/08/2023 10:46

Trở thành thành viên EU có thể là nhiệm vụ thậm chí còn khó khăn hơn đối với Ukraina so với việc gia nhập NATO.

Chặng đường dài

Tờ Financial Times viết, một năm trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trước Quốc hội Ukraina: “Còn một chặng đường dài phía trước nhưng châu Âu sẽ ở bên các bạn trên mọi bước đường, chừng nào các bạn còn cần, cho đến thời điểm các bạn bước qua cánh cửa dẫn vào Liên minh châu Âu của chúng tôi”.

Bà von der Leyen đã đúng khi nói, con đường đến với EU của Ukraina sẽ còn dài. Cũng như vậy với con đường gia nhập NATO. Kiev đã nhận được phản hồi tế nhị vào tháng 7 rằng, NATO sẽ đưa ra lời mời Ukraina khi “các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”.

Theo tờ Financial Times, việc Ukraina trở thành thành viên EU có thể khó bảo đảm hơn so với việc gia nhập NATO. Trong cả hai trường hợp, sự nhất trí của tất cả quốc gia thành viên EU và NATO là điều kiện tiên quyết để Ukraina gia nhập. Quá trình này không hề suôn sẻ, đơn cử như trường hợp của Thụy Điển gia nhập NATO.

Thách thức với Ukraina

Tuy nhiên, việc Ukraina gia nhập EU đối mặt với một loạt thách thức. Trước hết, nó vướng vào quá trình mà EU đã chính thức cam kết, kết nạp ít nhất 5 quốc gia khác: Albania, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia.

Giống như Ukraina, hiện tại không có quốc gia nào đáp ứng được các yêu cầu chính xác của EU về dân chủ, pháp quyền, nền kinh tế thị trường và khả năng thực hiện các nghĩa vụ của thành viên khối.

Thổ Nhĩ Kỳ là ứng cử viên chính thức thứ sáu gia nhập EU, nhưng triển vọng trở thành thành viên của nước này còn hết sức xa vời, ngay cả khi Brussels và Ankara có mối quan hệ mang tính xây dựng hơn bây giờ. Xếp hàng trước cửa EU còn có Bosnia và Herzegovina, Gruzia và Kosovo.

Hàng dài những ứng viên tiềm năng này sẽ mở rộng câu lạc bộ EU từ 27 lên 33 hoặc thậm chí 37 quốc gia, dẫn đến trở ngại thứ hai đối với việc mở rộng khối.

Việc bao gồm số lượng lớn các quốc gia như vậy vào tổ chức khu vực sẽ đòi hỏi phải có những cải cách sâu rộng về thể chế và luật pháp của Liên minh châu Âu, điều mà chính phủ và cử tri của 27 quốc gia thành viên dường như chưa sẵn sàng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ, ngày 1.3.2022 rằng, đơn xin gia nhập EU của Ukraina chỉ có thể được xem xét khi nào xung đột Nga-Ukraina kết thúc. Ảnh: Xinhua

Đối với các thể chế, sẽ khó nhưng không phải là không thể thu hút các thành viên mới bằng cách phân bổ lại các ghế trong Nghị viện châu Âu, cân nhắc lại các phiếu bầu trong Hội đồng châu Âu và thiết kế lại Ủy ban châu Âu.

Phức tạp hơn nhiều là câu hỏi liệu có nên thay thế sự đồng thuận trong các lĩnh vực như thuế và chính sách đối ngoại bằng một hệ thống bỏ phiếu theo đa số hay không, hoặc bằng cách nào.

Đây chính là điều mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đề xuất trong một bài phát biểu vào năm ngoái tại Đại học Charles ở Prague, Czech. Ông chỉ ra một cách chính xác rằng, khi quá trình mở rộng EU diễn ra, rủi ro sẽ tăng lên khi một quốc gia có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn một chính sách chung.

Tuy nhiên, nếu EU quyết định áp dụng phương thức bỏ phiếu theo đa số, các nhóm quốc gia có thể tự xúc tiến trong các lĩnh vực chính sách khác nhau. Thủ tướng Scholz nhận xét: “Đó sẽ là một mớ hỗn độn khó hiểu, và là lời mời cho tất cả những ai muốn đặt cược chống lại một châu Âu địa chính trị thống nhất và khiến chúng ta chống lại nhau”.

Không phải tất cả đều ủng hộ ý kiến của Thủ tướng Đức. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói với khán giả tại Đại học Heidelberg của Đức vào tháng 3 rằng, các phản ứng của EU đối với cuộc khủng hoảng nợ và đại dịch đều phơi bày “những giới hạn của quản trị siêu quốc gia ở châu Âu”.

Mở rộng lời chỉ trích ngầm đối với các đề xuất của Thủ tướng Scholz, ông Morawiecki nói thêm: “Ở châu Âu, không gì có thể bảo vệ tự do của các quốc gia, nền văn hóa, an ninh xã hội, kinh tế, chính trị và quân sự của họ tốt hơn các quốc gia dân tộc. Các hệ thống khác là ảo tưởng hoặc không tưởng”.

Ba Lan dù là nước ủng hộ nhiệt thành việc Ukraina gia nhập EU, nhưng lại phản đối kiểu cải cách thể chế có thể khiến việc mở rộng trở nên khả thi. Bên cạnh đó, giống như Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia, Ba Lan muốn EU mở rộng hạn chế nhập khẩu ngũ cốc của Ukraina để bảo vệ nông dân trong nước.

Những tranh luận này cho thấy, EU sẽ gặp khó khăn khi kết nạp Ukraina - một trong những nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới nhưng cũng là một trong những nước nghèo nhất châu Âu ngay cả trước xung đột với Nga.

Nếu gia nhập EU, Ukraina có thể được hưởng một phần đáng kể trợ cấp - lên tới 65% ngân sách EU - là số tiền mà các nước thành viên từ Trung và Đông Âu đang được nhận. Triển vọng như vậy có khả năng gây ra sự phản đối từ các đảng phái chính trị và cử tri ở những quốc gia này. Các quốc gia ứng viên khác cũng sẽ mong đợi tiếp cận với sự hào phóng của EU. Do đó, việc kết nạp Ukraina có thể trở thành vấn đề khó khăn nhất mà EU phải đối mặt trong toàn bộ lịch sử gần 70 năm tồn tại của mình - tờ Financial Times kết luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn