MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quyên góp nước đóng chai ở Cape Town cho nạn nhân lũ lụt tỉnh KwaZulu-Natal, Nam Phi, ngày 30.4.2022. Ảnh: Xinhua

Công nghiệp nước đóng chai che đậy khủng hoảng nước toàn cầu

Song Minh LDO | 26/03/2023 06:15

Nước đóng chai là một trong những loại đồ uống phổ biến nhất trên thế giới và ngành công nghiệp này đang che đậy khủng hoảng nước toàn cầu.

Kể từ thiên niên kỷ này, thế giới đã tiến bộ đáng kể hướng tới mục tiêu nước an toàn cho tất cả mọi người.

Vào năm 2020, 74% nhân loại được tiếp cận với nước an toàn, nhiều hơn 10% so với hơn hai thập kỷ trước. Nhưng 2 tỉ người vẫn không được tiếp cận với nước uống an toàn.

Trong khi đó, các tập đoàn nước đóng chai khai thác nước mặt và tầng ngậm nước - thường với chi phí rất thấp - và bán với giá cao hơn từ 150 đến 1.000 lần so với cùng một đơn vị nước máy đô thị. Giá thường được chứng minh bằng cách cung cấp sản phẩm như một giải pháp thay thế an toàn tuyệt đối cho nước máy.

Nước đóng chai hiếm khi phải đối mặt với các quy định nghiêm ngặt về sức khỏe cộng đồng và môi trường như nước máy công cộng.

Channel News Asia cho hay, nghiên cứu mới đây của Zeinel Bouhlel và Vladimir Smakhtin - cựu Giám đốc Viện Nước, Môi trường và Sức khỏe, Đại học Liên Hợp Quốc - ở 109 quốc gia, đã kết luận rằng ngành công nghiệp nước đóng chai phát triển nhanh và có lợi nhuận cao đang che đậy sự thất bại của các hệ thống công cộng trong việc cung cấp nước uống đáng tin cậy cho tất cả mọi người.

Ngành công nghiệp này có thể làm suy yếu tiến độ của các dự án nước an toàn, chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, bằng cách làm xao nhãng các nỗ lực phát triển và chuyển hướng sự chú ý sang một lựa chọn ít đáng tin cậy hơn, ít hợp lý hơn.

Cản trở các mục tiêu phát triển bền vững

Ngành công nghiệp nước đóng chai phát triển nhanh cũng tác động đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc theo nhiều cách.

Báo cáo mới nhất của Đại học Liên Hợp Quốc tiết lộ rằng doanh thu hàng năm của thị trường nước đóng chai toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi lên 500 tỉ USD trên toàn thế giới trong thập kỷ này. Điều này có thể làm gia tăng căng thẳng ở những khu vực cạn kiệt nước, đồng thời góp phần gây ô nhiễm nhựa trên đất liền và đại dương.

Phát triển nhanh hơn bất kỳ thị trường nào khác trong danh mục thực phẩm trên toàn thế giới, thị trường nước đóng chai lớn nhất là ở Nam bán cầu, trong đó châu Á Thái Bình Dương, châu Phi, châu Mỹ Latinh và Caribea chiếm 60% tổng doanh thu.

Nhưng không có khu vực nào đang đi đúng hướng để đạt được khả năng tiếp cận phổ cập các dịch vụ nước an toàn, vốn là một trong những mục tiêu của SDG 2030. Trên thực tế, tác động lớn nhất của ngành này dường như là khả năng cản trở tiến độ thực hiện các mục tiêu của các quốc gia nhằm cung cấp cho người dân quyền tiếp cận công bằng với nước uống hợp túi tiền.

Trẻ em trường mầm non cộng đồng Trapeang Thlan Village, quận Prek Pnov, Phnom Penh, Campuchia lấy nước uống, ngày 21.10.2020. Ảnh: Xinhua

Tác động đến các quốc gia dễ bị tổn thương

Ở Bắc bán cầu, nước đóng chai thường được cho là tốt cho sức khỏe hơn nước máy. Do đó, nước đóng chai là một hàng hóa xa xỉ hơn là một điều cần thiết.

Trong khi đó, ở Nam bán cầu, việc thiếu hoặc không có cơ sở hạ tầng quản lý nước và cấp nước công cộng đáng tin cậy đã thúc đẩy thị trường nước đóng chai.

Do vậy, ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là ở châu Á Thái Bình Dương, mức tiêu thụ nước đóng chai ngày càng tăng có thể được coi là một chỉ số cho thấy các chính phủ đã thất bại trong nhiều thập kỷ trong việc thực hiện các cam kết về hệ thống nước công cộng an toàn.

Điều này càng làm gia tăng sự chênh lệch toàn cầu giữa hàng tỉ người không được tiếp cận với các dịch vụ nước đáng tin cậy và những người khác tận hưởng nước như một thứ xa xỉ.

Năm 2016, chi phí để có nguồn cung nước uống an toàn trên toàn thế giới ước tính là 114 tỉ USD, tương đương chưa đến một nửa doanh thu bán nước đóng chai hàng năm trên toàn cầu - khoảng 270 tỉ USD hiện nay.

Quy định với ngành nước đóng chai

Năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, cần tăng tốc hành động gấp 4 lần để đáp ứng mục tiêu SDGs 2030. Nhưng đây là một thách thức to lớn khi xét đến những ưu tiên cạnh tranh về tài chính và thái độ kinh doanh thông thường phổ biến trong ngành nước.

Khi thị trường nước đóng chai phát triển, điều quan trọng hơn bao giờ hết là củng cố luật pháp điều chỉnh ngành và các tiêu chuẩn chất lượng nước của ngành. Luật như vậy có thể bao gồm kiểm soát chất lượng nước đóng chai, khai thác nước ngầm, sử dụng đất, quản lý chất thải nhựa, khí thải carbon, nghĩa vụ tài chính và minh bạch..

Báo cáo của Zeinel Bouhlel và Vladimir Smakhtin lập luận rằng, với tiến độ toàn cầu hướng tới mục tiêu này còn xa so với kế hoạch, việc mở rộng thị trường nước đóng chai về cơ bản đi ngược lại những tiến bộ hoặc ít nhất là làm chậm tiến độ, ảnh hưởng xấu đến đầu tư và cơ sở hạ tầng nước công cộng dài hạn.

Một số sáng kiến ​​cấp cao - chẳng hạn như liên minh các nhà đầu tư toàn cầu vì sự phát triển bền vững - đặt mục tiêu mở rộng quy mô tài chính cho SDGs, bao gồm cả những sáng kiến ​​liên quan đến nước.

Những sáng kiến ​​như vậy mang đến cho ngành nước đóng chai cơ hội trở thành một bên tham gia tích cực trong quá trình này và giúp đẩy nhanh tiến độ hướng tới nguồn cung cấp nước đáng tin cậy, đặc biệt là ở Nam bán cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn