MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Thịt viên voi ma mút" của công ty khởi nghiệp Vow, Australia. Ảnh: Vow

Công ty thực phẩm Australia sản xuất thịt viên từ voi ma mút

Khánh Minh LDO | 30/03/2023 06:00
Vow, công ty thực phẩm chuyên về thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm ở Australia, đã giới thiệu một món ăn mới mang tên "thịt viên voi ma mút".

Xác voi ma mút có bộ lông mịn, các mô vẫn còn nguyên vẹn, thường được tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực. Khám phá này cho phép các nhà khoa học tiếp cận, lấy mẫu gene cũng như sắp xếp lại trình tự bộ gene của voi ma mút, đồng thời có cái nhìn chi tiết hơn đối với loài voi cổ đại đã bị tuyệt chủng này.

Vow, công ty thực phẩm chuyên về thịt nuôi cấy ở Australia, đã giới thiệu một món ăn mới mang tên "thịt viên voi ma mút". Công ty cho biết mục tiêu của dự án sẽ là chứng minh tiềm năng của việc nghiên cứu, giúp thói quen ăn uống của con người trở nên lành mạnh, thân thiện hơn với hành tinh xanh.

James Ryall - giám đốc khoa học tại công ty Vow - nhận định: "Chúng ta cần suy nghĩ lại về cách con người đã kiếm thức ăn ra sao. Mong muốn lớn nhất của tôi đối với dự án này là nhiều người trên thế giới sẽ biết đến thịt nuôi cấy".

Thịt viên voi ma mút

Mặc dù có tên gọi là "thịt viên voi ma mút", nhưng chúng không nằm trong danh sách thực phẩm mà con người có thể ăn được. Mặt khác, nó giống như thịt cừu nhân tạo trong phòng thí nghiệm trộn với một lượng nhỏ mẫu ADN của voi ma mút.

Các nhà khoa học nghiên cứu dự án không được phép tiếp cận những mẫu mô đông lạnh của voi ma mút để làm cơ sở cho dữ liệu báo cáo của mình. Thay vào đó, họ tập trung vào một loại protein có trong động vật có vú được gọi là "myoglobin", có khả năng tạo ra hình thái, màu sắc, mùi vị của thịt và xác định trình tự ADN của voi ma mút trong cơ sở dữ liệu bộ gene có sẵn. 

Các nhà khoa học đã lấp đầy những khoảng trống trong chuỗi ADN myoglobin của voi ma mút bằng cách sử dụng mẫu gene của một con voi châu Phi, sau đó đưa gene tổng hợp vào một tế bào cơ của cừu và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Ernst Wolvetang - giáo sư kiêm trưởng nhóm cấp cao tại Viện Kỹ thuật Sinh học và Công nghệ Nano của Đại học Queensland (Australia) - cho biết: "Chỉ có một gene duy nhất trong số các gene cừu thuộc về voi ma mút, chính xác là 1 trong 25.000 gene".  

Giám đốc Ryall cho hay, loại protein "myoglobin" của voi ma mút đã làm thay đổi dáng vẻ bề ngoài của các tế bào cơ cừu. Ông Ryall và giáo sư Wolvetang đều nói rằng chưa từng nếm thử thịt viên làm từ "voi ma mút", mặc dù tổ tiên thời đại đồ đá của chúng ta đã đi săn và có thể sống qua ngày bằng cách ăn thịt loài động vật này.

"Thông thường, chúng tôi sẽ nếm thử sản phẩm của mình và nghiền ngẫm chúng. Nhưng chúng tôi có chút do dự khi nếm thử vì chúng tôi phát hiện ra một loại protein đã không tồn tại trong 5.000 năm. Tôi không biết khả năng gây dị ứng của loại protein đặc biệt này là gì" - Ryall nói.

Giám đốc khoa học Ryall nói thêm: "Đó là một trong những lý do chúng tôi không cung cấp sản phẩm này trên thị trường. Nó sẽ không được bày bán bởi chúng tôi không thể đảm bảo mức an toàn của loại thực phẩm này".

Nghiên cứu sản xuất "thịt viên voi ma mút". Ảnh: Vow

Thịt nuôi cấy và những câu chuyện được hé lộ

Những người ủng hộ luôn hi vọng thịt nuôi cấy sẽ làm giảm nhu cầu giết mổ động vật để lấy thức ăn và chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu. Ngành thực phẩm được cho là thải ra khoảng 1/3 lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu, hầu hết từ ngành nông nghiệp chăn nuôi.

Công ty Vow mong muốn sớm nhận được sự chấp thuận ở Singapore - quốc gia đầu tiên phê chuẩn việc sản xuất thịt nuôi cấy - để bán thịt chim cút do công ty này nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. 

Tại Mỹ, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã tuyên bố rằng thịt gà được nuôi trong phòng thí nghiệm là sản phẩm mà con người có thể tiêu thụ được.

Xác của voi ma mút - đã tuyệt chủng khoảng 5.000 năm trước - được tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu còn nguyên vẹn và chúng vẫn còn máu trong tĩnh mạch.

Love Dalén - giáo sư nghiên cứu bộ gene tiến hóa tại Trung tâm Cổ sinh vật học của Đại học Stockholm, người đã sắp xếp lại trình tự ADN của voi ma mút có tuổi đời cao nhất thế giới - đã mô tả mùi vị của thịt voi ma mút.

Trong một chuyến đi thực tế đến sông Yana ở Siberia vào năm 2012, Dalén kể lại ông đã nếm thử một miếng thịt đông lạnh nhỏ lấy từ một phần xác của một con voi ma mút con. Tuy ông nói rằng không thể thấy giá trị khoa học to lớn trong "dự án thịt viên", nhưng nếu chúng được bán ra thị trường thì ông Dalén chắc chắn sẽ nếm thử vị của chúng.

"Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi rất thích thử món này!Vị của nó còn tuyệt vời hơn thịt voi ma mút thật" -  ông Dalén nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn