MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
2.002 bào thai được cho là chất đống trong chùa Wat Phai Ngern ở Bangkok khoảng một năm, sau khi lò hỏa táng bị hỏng. Ảnh: AFP

Cú hích từ phát hiện rùng rợn 2.000 bào thai thối rữa ở ngôi chùa Thái Lan

Ngọc Vân LDO | 23/05/2023 19:20
Vụ việc hơn 2.000 bào thai bốc mùi hôi thối chất đống trong một ngôi chùa ở Thái Lan suốt hơn 1 năm là cú hích dẫn đến sửa đổi luật nạo phá thai ở nước này.

Phát hiện rùng rợn

Trong một thời gian dài vào năm 2010, ông Supote Leangbamrong đã phải chịu đựng mùi hôi thối tại chùa Wat Phai Ngern ở Bangkok, nơi ông xây chùa.

Một ngày nọ, ông quyết định xem xét kĩ hơn. “Tôi thấy thứ gì đó tràn ra (trong nhà xác). Tôi chạy đến kiểm tra thì thấy rất nhiều túi ni lông đựng đầy hài cốt trương phồng và thối rữa. Một số túi bị bung ra, bốc mùi hôi thối, bên trong là những bào thai đã chết” - người đàn ông 68 tuổi nói với tờ Strait Times.

Dù ông Supote, người đã làm việc tại chùa hơn ba thập kỷ, không nói ra vì không muốn làm hoen ố tên tuổi của ngôi chùa, nhưng bí mật khủng khiếp không thể bị che giấu.

Vào một ngày tháng 11.2010, một con chó hoang đi lạc vào khu chợ gần chùa với một chiếc túi trong miệng. Mùi hôi thối thu hút sự chú ý và người dân đã gọi cảnh sát.

Các cuộc điều tra đã phơi bày những chi tiết gây sốc về “nhà xác thai nhi” và ngành công nghiệp phá thai chui ở Thái Lan, nơi phá thai là bất hợp pháp, ngoại trừ một số trường hợp như hiếp dâm.

Phát hiện này đánh dấu một bước ngoặt đối với xã hội Thái Lan, khi chính quyền không còn có thể làm ngơ trước thực tế là phụ nữ buộc phải phá thai chui và không an toàn.

Những thay đổi pháp lý quan trọng đã được thực hiện trong những năm gần đây, và giờ đây nhiều phụ nữ có thể tìm cách phá thai hợp pháp. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức, bao gồm sự kì thị và nguồn lực hạn chế, cản trở khả năng tiếp cận của phụ nữ.

Từ phát hiện khủng khiếp đến đại tu luật phá thai

Các nhà chức trách đã thu hồi 2.002 bào thai - ở các giai đoạn phân hủy khác nhau - từ khu vực nhà xác của ngôi chùa.

Các bào thai này được cho là bị chất đống trong khoảng một năm, sau khi lò hỏa táng bị hỏng. Hầu hết bào thai được thu thập từ các cơ sở phá thai chui trên khắp Bangkok.

Một người phụ nữ tên Lanchakorn Janthamanas, được cho là từng là trợ lý điều dưỡng, đã thu thập bào thai, kiếm được khoảng 500 baht (340.000 đồng) mỗi thai nhi. Sau đó, Lanchakorn trả tiền cho hai người khác để hỏa táng các bào thai.

Lanchakorn cũng bị cáo buộc điều hành cơ sở phá thai bất hợp pháp. Bộ ba bị bỏ tù với các mức án từ 3 đến 20 năm.

Đồ cúng lễ cho các thai nhi xấu số tại chùa Wat Phai Ngern. Ảnh: Researchgate.net

Chính trị gia Ongart Klampaiboon, từng là bộ trưởng trong văn phòng thủ tướng vào năm 2010, đã có mặt tại hiện trường để xử lý vụ việc. Ông cho biết, thực sự sốc vì chưa từng thấy điều gì như vậy trước đây.

Sau vụ việc, giới chức tiến hành truy quét các cơ sở phá thai bất hợp pháp trên khắp Bangkok.

Mặc dù trước đó đã có một số cuộc tranh luận về vấn đề phá thai, nhưng vụ việc lần này đã khiến cuộc thảo luận trở lại mạnh mẽ và cũng nhấn mạnh vấn đề mang thai ở tuổi vị thành niên.

Vào năm 2010, phá thai phần lớn là bất hợp pháp ở Thái Lan, ngoại trừ những trường hợp mang thai vì bị cưỡng hiếp hoặc loạn luân.

Đến năm 2020, một tòa án đã phán quyết rằng, luật hình sự hóa việc phá thai đã vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ. Năm 2021, các hạn chế chống phá thai được nới lỏng, mở đường cho những thay đổi sâu rộng hiện cho phép phụ nữ phá thai khi thai được 20 tuần, với sự chấp thuận của bác sĩ.

Chủ nghĩa bảo thủ cản trở việc tiếp cận phá thai an toàn

Nhưng trong khi các rào cản pháp lí đã được giải tỏa, phá thai vẫn phải đối mặt với trận chiến khó khăn trước thái độ và niềm tin bảo thủ ở Thái Lan.

Bà Supeecha Baotip (55 tuổi) - một nhà hoạt động từ nhóm ủng hộ quyền lựa chọn Tamtang - cho biết, phá thai vẫn là một chủ đề bị kì thị và gây chia rẽ trong xã hội đa số theo đạo Phật và ngay cả trong cộng đồng y tế. Nỗi sợ hãi về "quả báo" cho hành động phá thai cũng khiến một số bác sĩ từ chối thực hiện thủ thuật.

Chỉ có hơn 100 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ phá thai hợp pháp, trải rộng trên khoảng một nửa trong số 77 tỉnh của Thái Lan. Khoảng 300.000 ca phá thai được thực hiện hàng năm, trong đó chỉ 15.000 ca được thực hiện tại các phòng khám được cấp phép.

Bà Supeecha cho hay, ở thủ đô Bangkok không có bệnh viện nhà nước nào cung cấp dịch vụ phá thai. Bệnh viện nhà nước gần nhất cung cấp các dịch vụ này là ở Singburi, cách đó khoảng hai giờ lái xe.

Và không có gì đáng ngạc nhiên, mọi người tiếp tục tìm kiếm các biện pháp thay thế, chủ yếu thông qua việc mua thuốc phá thai bất hợp pháp trên mạng.

Theo Giám đốc Cục Sức khỏe Sinh sản Bunyarit Sukrat, việc thay đổi suy nghĩ của các chuyên gia y tế là một thách thức lớn và sẽ mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, có một mạng lưới nhỏ nhưng đang phát triển gồm khoảng 500 chuyên gia y tế, bao gồm bác sĩ, nhân viên xã hội và y tá, những người hỗ trợ các dịch vụ phá thai trên khắp Thái Lan.

Các nhà chức trách cũng đã bắt đầu một chương trình thí điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc phá thai thông qua tư vấn y tế từ xa. Cho đến nay, khoảng 50 trường hợp đã được tư vấn theo cách này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn