MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Màn hình hiển thị trang web bảo hiểm hưu trí và các con số liên quan đến cải cách lương hưu do chính phủ Pháp thực hiện. Ảnh: AFP

Cuộc chiến 30 năm cải cách hệ thống lương hưu ở Pháp

Thanh Hà LDO | 11/01/2023 08:00
Tổng thống Emmanuel Macron có kế hoạch tung ra nỗ lực mới trong tuần này, nhằm cải cách hệ thống lương hưu của Pháp để tăng tuổi nghỉ hưu.

Năm 2019, nỗ lực của ông Emmanuel Macron nhằm thay thế hàng chục chế độ riêng biệt bằng một hệ thống tính điểm duy nhất và đưa tuổi hưởng lương hưu của Pháp từ 62 lên 64 đã dẫn tới cuộc đình công ngành vận tải dài nhất trong nhiều thập kỷ.

Với quan niệm thường được nhắc đi nhắc lại rằng người Pháp "cần phải làm việc nhiều hơn", kể từ năm 2017, Tổng thống Emmanuel Macron kiên quyết khẳng định hệ thống lương hưu phải được sắp xếp hợp lý.

Tuy nhiên, ông đã hủy bỏ nỗ lực đầu tiên vào năm 2020 khi đối mặt với các cuộc biểu tình và đại dịch COVID-19.

Dù vậy, ông đã đặt vấn đề cải cách lương hưu làm trọng tâm trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ hai vào tháng 4 năm ngoái. Cùng với đơn giản hóa hệ thống và loại bỏ các đặc quyền mà người lao động trong một số lĩnh vực của nền kinh tế được hưởng, cuộc cải cách nhằm tăng tuổi nghỉ hưu từ mức hiện tại là 62 lên 64.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

"Nhìn chung, ý tưởng cải cách không được công chúng ủng hộ, mặc dù nhiều người có thể hiểu rằng nếu chúng ta sống lâu hơn thì chúng ta có thể cần phải làm việc lâu hơn" - ông Bruno Cautres, chuyên gia chính trị tại Đại học Science Po ở Paris, chia sẻ. 

Tất cả các công đoàn của Pháp và hầu hết các đảng phái chính trị đối lập của Pháp đang chuẩn bị đấu tranh, coi đây là cách để bảo vệ hệ thống xã hội của đất nước.

Mối quan tâm lớn với chính phủ là nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình tự phát giống như từng chứng kiến năm 2018 khi những người mặc áo khoác vàng chặn đường, châm ngòi cho cuộc biểu tình "Áo vàng".

AFP đã nhìn lại cuộc chiến kéo dài 30 năm của nhiều chính phủ cánh tả và cánh hữu của Pháp về hệ thống lương hưu của nước này.

Năm 1993, chính phủ của Thủ tướng Edouard Balladur tăng số năm làm việc cần thiết để hưởng lương hưu đầy đủ trong khu vực tư nhân từ 37,5 lên 40.

Chính phủ của ông Balladur cũng thay đổi cách tính lương hưu, dựa trên 25 năm được trả lương cao nhất của người lao động thay vì 10 năm trước đây.

Tháng 11.1995, nước Pháp phải ngừng nỗ lực của Thủ tướng Alain Juppe nhằm cải cách lương hưu khu vực công. Các công đoàn kêu gọi tổng đình công phản đối những thay đổi, làm tê liệt các dịch vụ tàu hỏa và tàu điện ngầm trong 3 tuần. Công chúng ồ ạt đứng về phía những người đình công, buộc chính phủ phải vào cuộc.

Tám năm sau, hơn 1 triệu người xuống đường khi Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin tiết lộ kế hoạch buộc công chức làm việc trong 40 năm để được hưởng lương hưu đầy đủ, giống như trong khu vực tư nhân, và dần dần chuyển mọi người sang 42 năm.

Ông Raffarin không chịu lùi bước. Sau nhiều tuần biểu tình và đình công, dự luật đã được quốc hội thông qua.

Khi lên nắm quyền, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cam kết loại bỏ các chế độ lương hưu có lợi hơn cho người lao động trong lĩnh vực công. 

Giới chức lo ngại cuộc biểu tình “Áo vàng” bùng phát như năm 2018. Ảnh: AFP

Những người lái tàu đình công nhưng cuối cùng đồng ý làm việc với số năm như những người khác sau khi giành được một số nhượng bộ về cách tính lương hưu.

Ba năm sau, ông Sarkozy vấp phải sự phản đối lớn hơn nhiều khi chuyển sang tăng tuổi nghỉ hưu hợp pháp từ 60 lên 62.

Các nhà máy lọc dầu của Pháp bị phong tỏa trong 2 tháng diễn ra các đình công và biểu tình nhưng sự phản đối đã giảm bớt khi quốc hội thông qua dự luật.

Đảng Xã hội của Pháp cũng giải quyết vấn đề thâm hụt lương hưu sau khi Tổng thống Pháp Francois Hollande lên nắm quyền, tăng dần số năm đóng góp cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ lên 43 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn